SKKN: “MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÚP TRẺ 5 – 6 TUỔI PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC THÔNG QUA CÁC THÍ NGHIỆM KHOA HỌC”. Cô Nguyễn Thị Thu Hằng
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
BÁO CÁO SÁNG KIẾN
“MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÚP TRẺ 5 – 6 TUỔI PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC THÔNG QUA CÁC THÍ NGHIỆM KHOA HỌC”.
1. Mô tả bản chất của sáng kiến
Đối với trẻ 5- 6 tuổi, giáo dục nhận thức được xem là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng cùng với khả năng hình thành và phát triển các năng lực, phẩm chất, kỹ năng cần thiết, nhằm chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho trẻ bước vào lớp 1. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, ở trường chúng tôi cũng như tình hình chung, qua quá trình tổ chức các hoạt động mang tính thí nghiệm khoa học, thì đa số giáo viên chưa thực sự chuyên sâu đầu tư phương pháp biện pháp, để thu hút sự quan tâm chú ý, giúp trẻ lĩnh hội kiến thức sâu sắc hơn; Phụ huynh còn ngại cho trẻ tham gia các thí nghiệm, đặc biệt là cát nước đá sỏi bởi phụ huynh sợ con bị dơ, mất vệ sinh,… Xuất phát từ những lý do trên, bản thân suy nghĩ và quyết tâm nghiên cứu đề tài: “Một số biện pháp giúp trẻ 5-6 tuổi phát triển năng lực thông qua các thí nghiệm khoa học” nhằm mục đích tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm những thí nghiệm khoa học đơn giản, cung cấp cho trẻ những tri thức ban đầu về khoa học và những mối liên hệ, quan hệ giữa các sự vật hiện tượng trong môi trường xung quanh, tạo hứng thú cho trẻ tham gia vào hoạt động khám phá, khơi dậy những khả năng tiềm ẩn, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, năng lực tập trung, say sưa và hơn hết là tình yêu, niềm đam mê với khoa học công nghệ. Nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà khoa học trong tương lai.
1.1. Các giải pháp thực hiện, các bước và cách thức thực hiện
Giải pháp 1: Xây dựng môi trường cơ sở vật chất tạo điều kiện cho trẻ tìm tòi khám phá
1.1 Tham mưu, bổ sung cơ sở vật chất cho lớp
Đầu năm, khi nhận lớp, bản thân nghĩ ngay đến việc xây dựng kế hoạch tạo môi trường cho lớp, để đảm bảo điều kiện khi trẻ tham gia các thí nghiệm đơn giản. Tôi tiến hành khảo sát cơ sở vật chất của lớp và mạnh dạn tham mưu nhà trường đầu tư thêm một số đồ dùng, thiết bị cần thiết nhằm phục vụ cho các thí nghiệm khoa học: Kính lúp, nam châm, đồng hồ cát, cân bằng vật, tranh ảnh đặc thù,… Bởi bản thân hiểu rằng, trẻ mầm non không học lý thuyết qua những lời nói suông, giảng giải mà chúng học qua những trải nghiệm – thực làm, thực học. Vì thế, cần phải có đồ dùng và hành động cụ thể mới thu hút được sự chú ý, quan sát, tìm tòi của trẻ. Nên muốn thực hiện bất kì thí nghiệm nào thì đều phải có đầy đủ dụng cụ của thí nghiệm đó.
1.2 Trang trí, đầu tư thêm đồ dùng đồ chơi
Đi đôi với việc tham mưu, bổ sung cơ sở vật chất cho lớp, tôi xây dựng kế hoạch trang trí, bổ sung thêm đồ dùng đồ chơi.
Hiểu rõ được tầm quan trọng của việc trang trí, đầu tư đồ dùng đồ chơi, nhằm tạo môi trường cho trẻ trải nghiệm và tạo ra các thí nghiệm đầy đủ đồ dùng, sẽ giúp trẻ dễ dàng lĩnh hội kiến thức hơnt, tôi tận dụng khoảng không gian trong và ngoài lớp để tạo môi trường cho trẻ trải nghiệm khám phá. Ví dụ: Ở góc thiên nhiên, ngoài trồng nhiều cây xanh cây cảnh, tôi còn chuẩn bị cho mỗi trẻ 1 chậu đất cá nhân để bé ươm mầm, quan sát quá trình phát triển của cây từ hạt; có cát nước đá sỏi để trẻ trải nghiệm thí nghiệm về dòng chảy của nước, dòng chảy của cát, có cân thăng bằng cho trẻ trải nghiệm cân vật tùy thích. (Hình 1, Hình 2, Hình 3, Hình 4)
Với sự chú tâm, đầu tư về môi trường cơ sở vật chất, tôi nhận thấy trẻ vô cùng hứng thú, tích cực tham gia vào các hoạt động thí nghiệm, qua đó trẻ phát triển cách giải quyết vấn đề một cách nhanh nhẹn, về phần bản thân thấy tự tin khi tổ chức hoạt động thí nghiệm.
Giải pháp 2: Sưu tầm, lựa chọn nội dung đề tài thí nghiệm, dự kiến cho từng chủ đề và lên kế hoạch thực hiện
Đặc thù của trường Mầm non không có giờ thí nghiệm khoa học riêng. Vì thế việc đưa các thí nghiệm khoa học vào các hoạt động sao cho hợp lý và mang lại hiệu quả cao nhằm phát huy năng lực tối đa cho trẻ, nên tôi đã sưu tầm và chọn lựa một số thí nghiệm phù hợp với độ tuổi, chủ đề như sau:
Stt Chủ đề Dự kiến nội dung thí nghiệm
1 Trường Mầm non – Bé tập pha màu
– Bập bênh bằng nến
2 Bản thân – – Lắng nghe âm thanh từ những cái cái ly.
– – Bịt mũi
3 Gia đình – Chiếc đũa gảy
– Bé tập đo, đếm
– Dầu và xà phòng
4 Ngành nghề – Nam châm kỳ lạ
5 Thực vật – Sự nảy mầm của hạt
– Sự phát triển của cây từ hạt
– Lá đổi màu
6 Động vật – Qủa trứng kỳ diệu
– Trứng nổi trứng chìm
7 Giao thông – Thả thuyền – vật chìm vật nổi.
8 Hiện tượng thiên nhiên – Đồng hồ cát
– Bé biết gì về không khí?
– Dòng chảy của cát, nước
– Những viên sỏi thần kỳ
9 Quê hương – Đất nước – Bác Hồ – Bãi bồi bảo vệ làng xóm
10 Trường tiểu học – Nước lăn tròn trên giấy
– Nhuộm màu cho giấy
Sau khi đã lựa chọn thí nghiệm phù hợp với độ tuổi, chủ đề, tôi tiến hành dự kiến đồ dùng và lên kế hoạch thực hiện.
Giải pháp 3: Tổ chức một số thí nghiệm khoa học thông qua các hoạt động
3.1 Thông qua hoạt động chủ đích
Bản thân chọn lựa một số đề tài mang tính chất thí nghiệm khoa học đưa vào hoạt động chủ đích như: Bé biết gì về không khí?, Điều kỳ diệu của gió, Sự phát triển của cây từ hạt, Những viên sỏi thần kỳ,… nhằm giúp trẻ phát triển năng lực giải quyết vấn đề, năng lực ngôn ngữ và giao tiếp, năng lực hợp tác,… Cụ thể:
Trong hoạt động “Bé biết gì về không khí?” Trẻ biết đặc điểm của không khí: Có ở khắp nơi, nhẹ, không màu, không mùi, không vị, không có hình dạng cố định và có thể chuyển động được trong không gian. Trẻ biết không khí rất cần thiết và quan trọng đối với đời sống của con người, động vật, cây cối… Qua các trải nghiệm thí nghiệm: Bắt, ngửi, ngưng thở, thí nghiệm nến đang cháy,… trẻ phát triển được khả năng quan sát, phán đoán, suy luận logic, tư duy tưởng tượng, ngôn ngữ,… Kích thích trẻ hứng thú tập trung, tìm tòi khám phá, bước đầu yêu khoa học.
3.2 Thông qua hoạt động ngoài trời
Bên cạnh hoạt động chủ đích, tôi lựa chọn một số thí nghiệm, trò chơi hấp dẫn, lý thú cho trẻ được trải nghiệm ngoài trời như:
*Gieo hạt:
– Mục đích: Cho trẻ thấy hạt cần nước để nảy mầm, mọc thành cây non.
– Chuẩn bị: Một vài hạt đậu tương, đậu xanh,…Mỗi trẻ 1 chậu cát cá nhân.
– Cách tiến hành:
+ Ngâm hạt vào trong nước ấm khoảng 2 đến 3 tiếng rồi lấy ra. Cho trẻ của cả 3 tổ, đặt hạt vào những chậu cát cá nhân của mình. Mỗi ngày tổ 1 và tổ 2 đều tưới ít nước vào chậu, riêng các bạn tổ 3 không tưới nước vào chậu, hằng ngày cho trẻ quan sát, sẽ nhìn thấy chậu cá nhân của các bạn tổ 1 và tổ 2 hạt nẩy mầm, lớn dần. Chậu cá nhân của các bạn tổ 3 hạt không nảy mầm.
+ Hỏi trẻ: Vì sao hạt nảy mầm? Vì sao hạt không nảy mầm?
+ Cô giải thích và kết luận: Hạt nảy mầm nhờ nước, thiếu nước hạt không nảy mầm được. Qua đó, giáo dục trẻ biết giữ và dùng nước sạch, tiết kiệm nước, không đến những nơi ao hồ sông suối khi không có người lớn đi cùng. (Hình 6, Hình 7).
* Bắt không khí:
Tôi tiếp tục đặt tình huống: Thế không khí có bắt được không? (Có trẻ nói được, có trẻ nói không)
Tôi hỏi tiếp: Làm cách nào để bắt được không khí? (Lúc này trẻ đưa ra rất nhiều ý kiến: lấy ly, lấy lon, lấy chai, lấy hộp…. để bắt không khí).
Tôi phát cho mỗi trẻ một chiếc túi linon và yêu cầu: “Hãy lấy và bắt không khí vào túi”.
Mỗi trẻ thực hiện một cách khác nhau: Nắm lấy không khí xung quanh bỏ vào túi, vớt không khí cho vào túi,…Nhưng các trẻ vẫn chưa thấy gì trong túi.
Tôi tiếp tục gợi ý: “Các con hãy làm cách gì để túi phồng to lên đi”, trẻ phát hiện là mình phải thổi hơi vào túi và muốn giữ hơi trong túi thì phải xoắn hay buộc túi lại.
Sau đó tôi giải thích: Không khí đang ở trong túi của các con đấy.
Tiếp theo tôi cho trẻ chơi với túi không khí:
Ví dụ: Mở bao cho không khí lùa vào mặt xem có mát không? Hoặc lấy que nhọn đâm nhẹ sẽ thấy hơi thoát (Đó là không khí).
Trẻ được biết thêm: Không khí có ở khắp mọi nơi; ích lợi của không khí đối với đời sống con người, động vật, thực vật: Con người phải có không khí thì mới sống, mới thở được, cây cối, động vật có không khí thì mới sống và phát triển được.
– Tôi thấy thí nghiệm này thực hiện ngoài trời rất hợp lý, bởi không gian thoáng rộng, không khí thì ở xung quanh chúng ta nên việc thực hiện thí nghiệm rất đơn giản mang lại hiệu quả cao. 100% trẻ được tham gia thực hiện và cảm nhận, trẻ hứng thú và tự giải thích được các hiện tượng của sự việc. (Hình 8)
3.3 Thông qua hoạt động chiều
Ngoài hoạt động chủ đích và hoạt động ngoài trời tôi còn đưa những thí nghiệm vào hoạt động chiều, như:
* Những chiếc cốc hát vang
Mục đích yêu cầu:
– Cần cho trẻ nhận biết không khí rung động tạo thành âm thanh.
* Chuẩn bị: 7 cốc: 1 cốc không, 6 cốc đựng lượng nước khác nhau, 1 cái muỗng kim loại.
* Tiến hành:
Bước 1:
– Cho trẻ quan sát và gọi tên các đồ dùng của cô đã chuẩn bị.
– Hỏi trẻ: Đoán xem cô dùng các đồ dùng đó làm gì.
Bước 2:
– Cô cho trẻ xếp các cốc thành hàng ngang, cốc đầu tiên để không. Đổ 1 ít nước vào cốc thứ 2, cốc thứ 3 cho nhiều nước hơn một tí,… cốc thứ 7 càng nhiều nước hơn. (Có thể làm như vậy với nhiều cốc, cốc cuối cùng đổ gần đầy miệng cốc).
Bước 3:
– Cho trẻ dùng chiếc muỗng gõ vào các cốc hoặc thổi ngang qua miệng cốc. Lắng nghe các âm thanh khác nhau. Kết luận: Tùy lượng nước trong cốc, không khí rung động tạo thành những âm thanh khác nhau. (Hình 9)
– Cô có thể tạo thành một đoạn nhạc (âm thanh có tính tiết tấu) cho trẻ thấy được sự thú vị của hiện tượng rung động trong không khí.
– Cho trẻ thử chơi tạo nhạc.
*Trứng chìm – trứng nổi:
Tôi cho cháu làm thí nghiệm: Bỏ muối vào hai ly nước, lượng nước hai ly bằng nhau, riêng lượng muối thì khác nhau, trẻ thả trứng vào 2 ly nước, xuất hiện: Ly A trứng nổi, ly B trứng chìm.
– Cho trẻ tìm ra nguyên nhân. (ném) Thử ly nước A sao thấy mặn quá, thử ly nước B ít mặn hơn. Từ đó suy ra: Vì ly B ít muối nên trứng không thể nổi lên được, muốn trứng nổi lên phải làm gì? (Trẻ thỏa thuận với nhóm là phải thêm muối vào ly B…)
Vậy trứng ở trong nước muối có nổi được không? Trứng còn nổi được ở đâu nữa? tiếp tục cho trẻ khám phá. (Hình 10)
Giải pháp 4: Tuyên truyền, kết hợp với phụ huynh cho trẻ tham gia các thí nghiệm khoa học
Trong các buổi họp phụ huynh và qua giờ đón-trả trẻ, tôi mạnh dạn trao đổi với phụ huynh về ưu điểm của việc áp dụng các thí nghiệm khoa học vào dạy trẻ và giới thiệu một số thí nghiệm khoa học đơn giản, động viên trẻ tự làm thí nghiệm với cát, nước, đá, sỏi,…Nhưng sau khi nghe cô giáo nêu tác dụng tích cực của trẻ khi được tham gia với các vật đó: Kích thích sự phát triển của đôi bàn tay, giúp chuẩn bị đôi tay khỏe mạnh, khéo léo để cầm bút viết sau này, phát triển cân bằng của não và tăng khả năng tư duy logic sáng tạo, khi trẻ được chơi với cát nước đá sỏi cùng bạn bè, chính là lúc trẻ học cách chia sẻ, hợp tác, hay thoả thuận, kiên trì chờ đến lượt mình. Qua đây, phụ huynh quan tâm đến việc tổ chức, nuôi dưỡng tình cảm, lòng say mê yêu khoa học của trẻ, mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên ngày càng gắn kết hơn.
1.2. Phân tích tình trạng của giải pháp đã biết
* Ưu điểm:
Ban giám hiệu thường xuyên quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện dự các chuyên đề.
Nhà trường đầu tư cơ sở vật chất của lớp tương đối đảm bảo.
Trẻ muốn tham gia khám phá các thí nghiệm khoa học.
Bản thân yêu khoa học, có khả năng qua việc làm đồ dùng đồ chơi, thiết kế môi trường học tập, có lòng yêu nghề mến trẻ, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục Mầm non.
Được phụ huynh tin tưởng, quan tâm, chia sẻ.
* Nhược điểm:
Đồ dùng phục vụ cho việc làm thí nghiệm còn hạn hẹp.
Một số trẻ còn lạ lẫm, lúng túng, chưa mạnh dạn tham gia thí nghiệm, chưa mạnh dạn trong giao tiếp, khả năng hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề yếu, chưa tích cực tập trung hứng thú tham gia các hoạt động, chưa sáng tạo.
Bản thân đôi lúc chưa thực sự chuyên sâu, mạnh dạn đầu tư vào các thí nghiệm khoa học, để thu hút sự quan tâm chú ý, giúp trẻ lĩnh hội kiến thức sâu sắc hơn.
Phụ huynh còn ngại cho trẻ tham gia các thí nghiệm đặc biệt là cát nước đá sỏi, bởi phụ huynh sợ con mình bị dơ, mất vệ sinh. Bên cạnh đó, một số phụ huynh chưa thấu hiểu nên chưa đồng hành, quan tâm nuôi dưỡng tình cảm, lòng say mê yêu khoa học của trẻ.
1.3. Nội dung đã cải tiến sáng tạo để khắc phục những nhược điểm hiện tại:
Trẻ mầm non không học lý thuyết qua những lời nói suông, giảng giải mà chúng học qua chính những trải nghiệm – thực làm, thực học. Đặc điểm tư duy của trẻ ở cấp học này là tư duy trực quan. Vì thế, cần phải có đồ dùng và hành động cụ thể cho trẻ quan sát thực hiện, mới thu hút được sự chú ý, tìm tòi của trẻ. Nên muốn thực hiện bất kì thí nghiệm nào, thì đều phải có đầy đủ dụng cụ của thí nghiệm đó. Hiểu rõ được tầm quan trọng của cở sở vật chất trong việc tạo ra các thí nghiệm cho trẻ quan sát trực tiếp, tôi đã thực hiện một số nội dung sau:
– Xây dựng môi trường cơ sở vật chất tạo điều kiện cho trẻ tìm tòi khám phá. +Tham mưu, bổ sung cơ sở vật chất cho lớp.
+Trang trí, đầu tư thêm đồ dùng đồ chơi.
– Sưu tầm, lựa chọn nội dung đề tài thí nghiệm, dự kiến cho từng chủ đề và lên kế hoạch thực hiện.
– Tổ chức một số thí nghiệm khoa học thông qua các hoạt động.
– Tuyên truyền, kết hợp với phụ huynh cho trẻ tham gia các thí nghiệm khoa học.
1.4. Khả năng áp dụng của sáng kiến
Từ những cố gắng nghiên cứu tài liệu, kinh nghiệm của bản thân, sự giúp đỡ của Ban giám hiệu nhà trường, sự ủng hộ tích cực của các bậc cha mẹ, qua thời gian áp dụng sáng kiến tại lớp và tại trường mầm non Đại Hồng thì lớp chúng tôi đã đạt hiệu quả tích cực trong việc nâng cao chất lượng phát triển năng lực toàn diện cho trẻ. Nên tôi thiết nghĩ, sáng kiến này có thể áp dụng cho tất cả các lớp cùng khối mẫu giáo lớn hoặc các độ tuổi khác có cùng điều kiện tại trường lớp trên toàn Huyện, Tỉnh.
1.5. Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến
Nhà trường trang bị đầy đủ các phương tiện, đồ dùng, dụng cụ thí nghiệm, thường xuyên tổ chức thao giảng dự giờ, thi giáo viên giỏi, khuyến khích giáo viên tìm tòi, sưu tầm những đề tài mới lạ, tạo cơ hội cho trẻ được thỏa sức trải nghiệm để trẻ phát triển các năng lực một cách hiệu quả nhất.
Giáo viên cần đầu tư trang trí môi trường trong và ngoài lớp phong phú về nội dung, sinh động bắt mắt về hình thức, kích thích trẻ hứng thú khám phá, thực hành thí nghiệm.
1.6. Hiệu quả sáng kiến mang lại
Với đề tài “ Một số biện pháp giúp trẻ 5-6 tuổi phát triển năng lực thông qua các thí nghiệm khoa học”, tôi đã thu được một số kết quả như sau:
* Đối với trẻ
Trẻ rất hứng thú, thích khám phá và mạnh dạn tham gia tích cực vào các hoạt động thí nghiệm. Trẻ bắt đầu để ý những biến đổi của sự vật hiện tượng xung quanh, biết tự khám phá bằng nhiều giác quan, biết trao đổi với cô, với bạn, mạnh dạn trong giao tiếp, phát triển năng lực tập trung khi tham gia các hoạt động.
*Đối với phụ huynh:
Phụ huynh thấu hiểu, bắt đầu đồng hành, cho trẻ trải nghiệm tích cực và phối kết hợp với giáo viên trong việc dạy trẻ các thí nghiệm, đóng góp nguyên vật liệu để làm đồ dùng thí nghiệm khi cần thiết. Phụ huynh quan tâm đến việc tổ chức, nuôi dưỡng tình cảm, mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên ngày càng gắn kết hơn. Vì vậy, các phong trào thi đua của lớp luôn đạt kết quả cao.
* Đối với giáo viên
Giáo viên được nâng tầm kiến thức, có kinh nghiệm chuyên sâu hơn về tổ chức các thí nghiệm khoa học, giúp trẻ có cơ hội được tìm hiểu những điều kỳ thú, biến hóa của sự vật hiện tượng, có những hiểu biết và yêu thích về khoa học công nghệ. Là động lực để giáo viên tìm tòi sáng tạo với trẻ, ban đầu hoàn thành sứ mệnh nuôi dưỡng nhà khoa học trong tương lai của trẻ.
2. Những thông tin cần được bảo mật: Không.
3. Danh sách những người đã tham gia áp dụng thử hoặc áp dụng sáng kiến lần đầu (nếu có)
TT Họ và tên Nơi công tác Nơi áp dụng Sáng Kiến Ghi chú
1 Trương Thị Thanh Dung. MN Đại Hồng Lớp Lớn 2
2 Nguyễn Thị Hương. MN Đại Hồng Lớp Lớn 1
3 Đặng Thị liên MN Đại Hồng Lớp Lớn 5
4. Hồ sơ kèm theo: Hình ảnh.
XÁC NHẬN CỦA BAN GIÁM HIỆU
HIỆU TRƯỞNG
Võ Thị Trị