SKKN: “Một số biện pháp giáo dục lễ giáo cho trẻ 3 – 4 tuổi. Cô Nguyên Thị Thu Vân
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
BÁO CÁO SÁNG KIẾN
1. Tên đề tài:“Một số biện pháp giáo dục lễ giáo cho trẻ 3 – 4 tuổi
2. Mô tả bản chất của sáng kiến7
Giáo dục mầm non là mắt xích đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân,
chịu trách nhiệm chăm sóc giáo dục trẻ từ 0 – 6 tuổi. Đây là giai đoạn đặt nền móng đầu tiên quan trọng của nhân cách con người. Nếu không làm tốt việc chăm sóc giáo dục trẻ trong những năm này thì việc giáo dục lại hết sức khó khăn, phức tạp.Vì vậy trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mục tiêu giáo dục mầm non phải trang bị cho trẻ những gì tốt nhất kể cả về mặt vật chất và tinh thần một cách toàn diện.
Việc phát triển toàn diện của trẻ được chứa đựng trong tất cả các hoạt động như: học tập, lao động, vui chơi…đều mang ý nghĩa và vai trò giáo dục lễ giáo cho trẻ. Giáo dục lễ giáo có tác động rất lớn đến sự phát triển đời sống tình cảm của trẻ đối với mọi người, đặc biệt là giao tiếp với cô giáo và bạn bè trong lớp. Từ ngàn xưa kinh nghiệm của cha ông ta đã đúc kết nhiệm vụ học đầu tiên của mỗi con người phải là “Tiên học lễ, hậu học văn” lễ phép là nét đẹp văn hóa được đặt lên hàng đầu. Trong thời đại hiện nay tiếp thu nhiều nền văn hóa khác nhau nên đâu đó vẫn còn nhiều câu chuyện thương tâm về đạo đức lễ giáo của con người, việc mà tôi và các bạn đã nghe và thấy trên thông tin đại chúng, trong cuộc sống hằng ngày.
Trăn trở với mục tiêu chung của giáo dục là người giáo viên mầm non tôi nguyện góp sức một phần nhỏ bé của mình vào việc giáo dục lễ giáo cho trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo nhằm góp phần hình thành nhân cách ban đầu cho trẻ. Trước thực trạng đó là một giáo viên dạy ở lớp 3 – 4 tuổi trực tiếp chăm sóc – giáo dục trẻ, tôi không thể không suy nghĩ và nhận thấy rằng giáo dục lễ giáo cho trẻ mẫu giáo hiện nay là việc làm cần thiết có vai trò to lớn trong quá trình phát triển toàn diện cho trẻ mẫu giáo. Chính vì thế, tôi đã chọn đề tài: “Một số biện pháp giáo dục lễ giáo cho trẻ 3 – 4 tuổi ” để nghiên cứu.
1.1. Các giải pháp thực hiện, các bước và cách thức thực hiện.
* Giải pháp 1: Lập kế hoạch lồng ghép nội dung giáo dục lễ giáo vào tất cả hoạt động
Trong năm học này tôi quyết tâm thực hiện nhiệm vụ năm học của ngành phát động và luôn lấy mục tiêu giáo dục lễ giáo cho trẻ làm nhiệm vụ hàng đầu trong việc chăm sóc giáo dục trẻ, để góp một phần nhỏ bé của mình vào quá trình hình thành cho trẻ một nhân cách theo mục tiêu của ngành, của toàn xã hội. Từ đó tôi có suy nghĩ lồng lễ giáo vào tất cả hoạt động, cụ thể như sau.
*Giải pháp 2: Thực hiện lồng ghép giáo dục vào các hoạt động
* Hoạt động 1: Giáo dục lễ giáo thông qua tiết học ( hình 1)
Lồng nội dung giáo dục lễ giáo vào các môn học có nhiều ưu thế nhằm hình thành cho trẻ những thói quen, hành vi có văn hóa.
Ví dụ: Qua giờ khám phá khoa học ” Ngày nhà giáo Việt Nam”.
Cô giáo có thể đàm thoại: Ngày nhà giáo Việt Nam là ngày mấy? Ngày nhà giáo nói về ai?
Hằng ngày cô giáo đến lớp làm gì?
Cô giáo dạy các con những gì?
Qua đó, cô giáo dục cháu biết yêu thương kính trọng vâng lời cô giáo.
+ Đối với giờ học phát triển thể chất.
Cô giáo dục trẻ siêng năng thể dục, tập đều đặn giúp cơ thể khoẻ mạnh, trong lúc tập các con không chen lấn, không xô đẩy nhau.
+ Đối với giờ học tạo hình: “Tô màu hoa “.
Cô có thể đàm thoại.
Hoa dùng để làm gì? Muốn có nhiều hoa phải làm gì?
Qua đó cô giáo dục trẻ biết yêu quý, chăm sóc, bảo vệ hoa, không ngắt cành bẻ lá hoa
+ Giờ làm quen văn học: Qua chuyện “Thỏ con không vâng lời “.
Cô đàm thoại cùng trẻ.
Mẹ dặn thỏ ở nhà thì thỏ như thế nào? Ai đã đưa thỏ về nhà?
Nếu con là thỏ thì con sẽ làm gì?
Qua câu chuyện cô giáo dục trẻ phải biết vâng lời bố mẹ, người lớn.
+ Giờ học âm nhạc: Bài “Bông hoa mừng Cô”.
Cô đàm thoại cùng trẻ.
Đối với cô giáo các con phải như thế nào?
Khi tặng hoa cho cô, các con tặng bằng mấy tay?
Thông qua đó giáo dục trẻ khi nhận hoặc trao vật gì với người lớn nên trao hoặc nhận phải bằng hai tay, khi nhận các con nói lời cảm ơn.
* Hoạt động 2: Giáo dục lễ giáo vào hoạt động vui chơi (hình 2)
Đối với trẻ lứa tuổi này trẻ học mà chơi, chơi mà học, trong giờ vui chơi trẻ được thực hành trải nghiệm nhiều vai chơi khác nhau trong cuộc sống của người lớn, tôi tiến hành lồng ghép lễ giáo vào vui chơi, qua đó trẻ được đối thoại những câu chào hỏi lễ phép, câu cảm ơn, xin lỗi, trao nhận bằng hai tay, tôi theo dõi quan sát lắng nghe để kịp thời uốn nắn trẻ khi có biểu hiện chưa chuẩn mực. Qua đó giúp trẻ hình thành thói quen hành vi văn minh trong giao tiếp.
Ví dụ; Qua trò chơi: Đi dạo vườn hoa xuân thì giáo dục trẻ biết ngắm hoa, yêu hoa, không được hái hoa
Ví dụ: Qua trò chơi phân vai – y tá – bác sĩ.
Bác sĩ biết thăm hỏi bệnh nhân ân cần, xưng hô, cô, chú, bác, cháu đau chỗ nào? Đau ra sao?
Y tá phát thuốc dặn bệnh nhân uống thuốc ngày mấy lần, bệnh nhân nhận thuốc, nhận đơn thuốc bằng hai tay và nói lời cảm ơn đối với cô y tá, bác sĩ.
+ Trẻ chơi bán hàng.
Người bán hàng: Cô, chú mua gì ạ?
Người mua: Bao nhiêu một cân cá vậy cô?
Qua hoạt động vui chơi cháu mạnh dạn dần, thành thạo dần trong giao tiếp, trong ứng xử, chào hỏi đối với mọi người xung quanh mình.
*Hoạt động 3: Giáo dục lễ giáo ở mọi lúc mọi nơi (hình 3)
Giờ đón trẻ hoặc trả trẻ tôi rất ân cần và chuẩn mực trong xưng hô với bố mẹ trẻ, tôi tập trẻ đến lớp chào cô, sau đó chào tạm biệt bố mẹ để vào lớp học.
Trong giờ chơi tự do, hay giờ lao động, sinh hoạt ngoài trời nếu cháu làm việc gì sai đối với bạn, với cô thì phải biết xin lỗi cô, xin lỗi bạn, ai cho gì thì nhận bằng hai tay và nói lời cảm ơn.
Giờ chơi cháu đoàn kết với bạn bè, không tranh giành đồ chơi.
Giờ dạo chơi sinh hoạt ngoài trời, cô lồng ghép lễ giáo vào để giáo dục trẻ.
Ví dụ: giờ chơi ngoài sân có một bạn bị té, một bạn khác đỡ bạn té đứng dậy, cô cho bạn đó cám ơn bạn đã đỡ mình dậy…
* Hoạt động 4: Xây dựng lễ giáo, góc tuyên truyền (hình 4)
Ở góc này tôi sưu tầm những tranh ảnh có nội dung giáo dục lễ giáo dán vào cho trẻ xem, kèm theo một bài thơ hay nội dung phù hợp với hình ảnh, thời gian rảnh tôi cho trẻ đến xem và trò chuyện, đàm thoại với trẻ những hành vi văn minh. Tôi thay đổi hình ảnh bài viết theo từng chủ điểm.
Bên cạnh tôi cũng dành một góc để tuyên truyền giáo dục lễ giáo cho phụ huynh nắm, từ đó phụ huynh sẽ chú trọng đến việc giáo dục lễ giáo cho trẻ lúc ở nhà.
* Hoạt động 5: Xây dựng cảnh quan sư phạm trong lớp học. (Hình 5)
Tôi luôn chú ý tạo cảnh quan sự phạm trong phòng học, đồ dùng đồ chơi được sắp xếp, gọn gàng, ngăn nắp. Đặc biệt là góc thiên nhiên được trang trí và trồng nhiều cây cảnh để tạo cho trẻ một không gian xanh, để mỗi ngày trẻ có thể tự mình chăm sóc cây xanh, giáo dục trẻ biết yêu cái đẹp. Qua hoạt động này kích thích trẻ yêu lao động, tạo tình cảm của trẻ với thế giới tự nhiên, gần gũi và thân mật, đã trở thành thói quen ở trẻ.
Để tạo cảnh quan sân trường, trước giờ học tôi thường cho trẻ nhặt rác, lá cây để tạo môi trường sạch đẹp. Còn đối với kệ góc đồ chơi đầu tuần tôi thường tổ chức cho trẻ thi đua lau dọn, sắp xếp đồ chơi gọn gàng. Nhờ vậy, qua mỗi lần tổ chức hoạt động vui chơi trẻ chơi xong thu dọn đồ chơi gọn gàng và ngăn nắp.
Ở lớp tôi có sọt rác, để vào góc hiên, sau mỗi giờ nêu tiêu chuẩn bé ngoan xong, tôi thường nhắc nhở, động viên trẻ sau khi ăn quà vặt nên vứt rác vào giỏ để giữ vệ sinh chung và trẻ thực hiện tốt, nhất là sau hoạt động tạo hình xé dán trong lớp không còn mảnh giấy vụn nào rơi xuống sàn.
Giáo dục trẻ đi vệ sinh đúng nơi quy định, phòng vệ sinh nam nữ riêng biệt, phải mang dép khi đi vào nhà vệ sinh và sắp xếp gọn gàng.
* Hoạt động 6: Phối hợp với các bậc phụ huynh
Cùng với mục tiêu xã hội hóa giáo dục thì vai trò của phụ huynh có vai trò không nhỏ trong việc giáo dục trẻ. Trong buổi họp đầu năm tôi mạnh dạn trao đổi với phụ huynh về tầm quan trọng của giáo dục lễ giáo đối với trẻ mẫu giáo 3 – 4 tuổi, nhất là trong thời kỳ hội nhập của nước ta tiếp nhận nhiều nền văn hóa và trò chơi giải trí đã ảnh hưởng một phần không nhỏ về hành vi văn minh của trẻ. Trẻ có thể đối xử thô bạo với bạn sau một đoạn phim hành động, hay trẻ có những lời không nên đối với bố mẹ khi không đồng ý cho trẻ chơi điện tử
Để phụ huynh nhận thức ý nghĩa của vấn đề, để cùng nhà trường giáo dục trẻ. Ở lứa tuổi này, trẻ học theo rất nhanh, sẽ hình thành nhân cách trẻ sau này.
Phụ huynh lớp tôi phần đông làm nghề nông nên họ ít quan tâm đến con cái mình, qua các cuộc họp phụ huynh hoặc những buổi truyền thông tôi luôn phổ biến và tuyên truyền cách nuôi dạy con theo khoa học và cách giáo dục lễ giáo đối với trẻ lúc ở nhà. Phụ huynh giành thời gian chăm sóc con cái như vệ sinh thân thể, chải răng đúng cách, phụ huynh phải luôn mẫu mực trong giao tiếp ở nhà để trẻ noi theo. Đồng thời chú ý sửa sai trẻ kịp thời những thiếu sót trong giao tiếp đối với bạn bè, đối với người lớn.
Tôi luôn trao đổi với phụ huynh qua giờ đón và trả trẻ về sự tiến bộ của mỗi cháu để phụ huynh kịp thời nắm bắt. Qua thời gian trẻ lớp tôi tiến bộ rõ rệt như xưng hô lễ phép, lịch sự trong giao tiếp nhờ sự giáo dục bằng phương châm” Trường học là nhà, nhà là trường học”
* Hoạt động 7: Giáo dục lễ giáo thông qua ngày hội, ngày lễ (hình 6)
Như các bạn đã biết truyền thống của người Việt chúng ta luôn tôn sư trọng đạo. Vì vậy thông qua các hoạt động tổ chức lễ hội như ngày giỗ Tổ Hùng Vương, ngày 20/11… Từ ý nghĩa của những ngày lễ lớn, tôi đã tổ chức các hoạt động văn nghệ để chào mừng, đồng thời ôn lại truyền thống của dân tộc để giáo dục trẻ lòng tự hào dân tộc, biết kính trọng những người đã hy sinh cho lợi ích dân tộc, lợi ích trồng người. Nhằm hình thành cho trẻ lòng tự hào, kính yêu đối với người lớn tuổi, thông qua đó khuyến khích trẻ học tập và phấn đấu thành con người có ích cho xã hội.
* Hoạt động 8: Cô gương mẫu chuẩn mực
Ở lứa tuổi của trẻ luôn thích được cô yêu thương, gần gũi, mọi hành vi của cô được trẻ lưu tâm nhất. Vì vậy cô luôn luôn chuẩn mực trong lúc giao tiếp với người lớn, với trẻ không to tiếng quát tháo, xưng hô dịu dàng bằng cô và cháu, giờ đón trả trẻ tôi luôn ân cần dịu dàng thương yêu trẻ, khiêm tốn lịch sự trong giao tiếp với phụ huynh, cháu hỏi gì tôi trả lời rõ ràng, gọn gàng tôn trọng lời nói của trẻ, lắng nghe ý kiến của trẻ.
* Hoạt động 9: Khích lệ nêu gương
Tâm lý của con người thích được khen hơn là chê. Nhất là đối với trẻ lúc nào cũng muốn được khen và khen nhiều. Hằng ngày vào giờ nêu gương cuối ngày trước khi cắm cờ, tôi cho trẻ tự nhận xét về mình trong ngày đó có bạn nào có hành vi lời nói hay tôi nêu gương ra cho cả lớp và tặng trẻ một bông hoa.
Khi nào trẻ được cắm cờ tôi hỏi cả lớp vì sao bạn được cắm cờ?
Hỏi những bạn vì sao không được cắm cờ.
Ngoài ra, vào mỗi sáng tôi thường đưa ra những tiêu chuẩn bé ngoan về lễ giáo để trẻ thực hiện
Cuối tuần bao giờ cũng có tiết mục kể chuyện về gương tốt, tuần nào cũng vậy tôi không bao giờ bỏ qua
1.2. Phân tích tình trạng của giải pháp đã biết (nếu là giải pháp cải tiến giải pháp đã biết trước đó tại cơ sở).
*Ưu điểm.
Ban giám hiệu nhà trường luôn đi sâu đi sát, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên có đủ phương tiện để chăm sóc và dạy trẻ như bồi dưỡng công nghệ thông tin cho giáo viên, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ…Đã tổ chức các buổi tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn tại trường về lĩnh vực giáo dục kỹ năng lễ giáo cho trẻ.
Phòng học có diện tích đảm bảo theo quy định, rộng rãi thoáng mát.
Bản thân luôn tìm tòi học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Phụ huynh luôn quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ để giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Một số trẻ trong lớp được ba mẹ giáo dục về cách thưa chào khi gặp người lớn, nhận quà bằng hai tay….
*Nhược điểm.
Hầu hết các cháu chưa làm quen với môi trường sư phạm, đa số trẻ chưa đi nhà trẻ. Phần lớn bố mẹ của các cháu làm nông nên việc quan tâm đến con em còn hạn chế, có phụ huynh thì chiều con quá mức. Có nhiều cháu mới đi học chưa biết chào hỏi, thưa gửi lễ phép còn trả lời trống không với người lớn tuổi, bạn bè và cô giáo. Thời gian đầu trẻ đến lớp với thói quen tự do, hay nói lêu, trả lời có những câu cụt, câu què, ra vào lớp tự nhiên…
Do môi trường sống nông thôn nên điều kiện khó khăn mọi mặt các em ít được va chạm giao tiếp nên nhút nhác tự ti khi trao đổi với người lạ.
1.3. Nội dung đã cải tiến, sáng tạo để khắc phục những nhược điểm hiện tại (nếu là giải pháp cải tiến giải pháp đã biết trước đó tại cơ sở).
Giáo dục lễ giáo cho trẻ mẫu giáo là sự hình thành, phát triển nhân cách cho trẻ, sự nhận thức qua cách giao tiếp và thông qua các bài thơ, câu chuyện, nhằm giáo dục đạo đức lối sống cho trẻ. Vì vậy, giao tiếp chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của trẻ là nền văn hóa lâu đời và đặc biệt đối với trẻ.
Giáo dục lễ giáo ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Nếu được giáo dục tốt, khi giao tiếp trẻ sẽ nói năng nhẹ nhàng, mạch lạc, có văn hóa trong các câu nói, cử chỉ, hành động của trẻ đối với mọi người.
1.4. Khả năng áp dụng của sáng kiến8.
Với sáng kiến “Một số biện pháp giáo dục lễ giáo cho trẻ 3 -4 tuổi” có thể áp dụng cho tất cả các lớp trong trường Mầm non Đại Hồng và các trường trong địa bàn huyện, giúp trẻ có hành vi lễ giáo, có thái độ tôn trọng, ứng xử lễ giáo với mọi người. Từ đó, hình thành một thế hệ trẻ tương lai sống có lễ giáo tốt.
1.5. Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến.
Để thực hiện tốt việc giáo dục lễ giáo cho trẻ 3 – 4 nhà trường hỗ trợ cho giáo viên về các phương tiện như máy móc, cơ sở vật chất. Chuyên môn hỗ trợ về phương pháp dạy trẻ theo hướng đổi mới lấy trẻ làm trung tâm. Phụ huynh hỗ trợ trong công tác đưa đón trẻ và giao tiếp thân thiện, gần gũi với cô giáo để làm gương cho trẻ hằng ngày.
Các tác phẩm văn học, các hình ảnh có nội dung giáo dục lễ giáo và quá trình giao tiếp của trẻ với bạn bè với cô giáo là những phương tiện giáo dục lễ giáo tốt nhất cho trẻ. Điều đó nhằm hình thành ở trẻ những tình cảm yêu thương, gần gũi với mọi người xung quanh, kính trọng lễ phép người lớn tuổi.
1.6. Hiệu quả sáng kiến mang lại9.
*Đối với trẻ.
Trẻ hồn nhiên mạnh dạn trong mọi hoạt động, hứng thú, trẻ biết lễ phép chào hỏi với người lớn, biết xưng hô lễ phép với mọi người, với bạn bè. Biết cám ơn xin lỗi. Biết giữ gìn, cất, sắp xếp đồ chơi theo quy định, biết giữ gìn vệ sinh thân thể, vệ sinh môi trường. Biết nhường nhịn giúp đỡ bạn, biết mạnh dạn trong giao tiếp.
Kết quả đạt đư¬ợc của trẻ.
Tổng số trẻ của lớp tôi là: 20 trẻ
* Khả năng hứng thú và kiến thức, kỹ năng đạt được sau mỗi hoạt động học ở đầu năm học.
– Trẻ biết chào hỏi lễ phép: 96%.
– Trẻ biết xưng hô lễ phép: 98%.
– Biết cảm ơn, xin lỗi:98 %.
– Biết giữ gìn, cất, sắp xếp đồ chơi theo quy định: 98%.
– Biết giữ gìn vệ sinh thân thể, vệ sinh môi trường: 98%.
– Biết nhường nhịn giúp đỡ bạn: 98%.
– Trẻ mạnh dạn trong giao tiếp: 95%.
*Đối với phụ huynh.
Các bậc phụ huynh có nhận thức sâu sắc hơn về giáo dục lễ giáo cho trẻ mầm non, luôn có sự phối hợp với giáo viên trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ.
Tin tưởng gửi con vào nhà trường, quan tâm đến sự phát triển về lễ giáo, giao tiếp của trẻ và có nhu cầu học tập.
*Đối với giáo viên.
Từ những biện pháp đã áp dụng tôi đã rút ra nhiều bài học bổ ích: Bản thân cô giáo phải luôn tìm tòi sáng tạo, sưu tầm tranh ảnh, thơ ca, hò vè để góc lễ giáo và thư viện của bé ngày càng phong phú hơn. Các tiết học có lồng ghép nội dung giáo dục lễ giáo dưới hình thức hò vè, ca dao, câu đố vào bài học để giáo dục trẻ.
Cô giáo phải thật sự là tấm gương sáng để trẻ noi theo, luôn giàu tình yêu thương, luôn thận trọng trong mọi hành vi của mình, thân thiện yêu thương để tạo tâm lý thỏa mái cho trẻ thực hiện tốt mọi hành vi cũng như hoạt động giao tiếp, nhằm giúp trẻ từng bước hình thành nhân cách cho trẻ.
2. Những thông tin cần được bảo mật – nếu có: không
3.Danh sách những thành viên đã tham gia áp dụng thử hoặc áp dụng sáng kiến lần đầu – nếu có.
TT Họ và tên Ngày tháng năm sinh Nơi công tác Chức danh Trình độ chuyên môn Nội dung công việc hỗ trợ
1 Nguyên Thị Thiên Vũ. 22/10/ 1992 MN Đại Hồng Giáo viên TCMN Áp dụng dạy tại lớp Bé 3
2 Phan Thị Thu Hiền. 05/03/1991 MN Đại Hồng Giáo viên TCMN Áp dụng dạy tại lớp bé 3