Website Trường Mầm Non Đại Hồng – Đại Lộc – Quảng Nam

SKKN: “GIÚP TRẺ PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ THÔNG QUA MÔN LÀM QUEN VĂN HỌC ” Cô Văn Thị Lý

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

BÁO CÁO SÁNG KIẾN
“GIÚP TRẺ PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ THÔNG QUA
MÔN LÀM QUEN VĂN HỌC ”
1. Mô tả bản chất của sáng kiến
Như Lênin đã viết: “Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người”. Trong cuộc sống của con người, sự phát triển xã hội loài người, ngôn ngữ là phương tiện để phát triển tư duy, là phương tiện giữ gìn, bảo tồn, truyền đạt và phát triển kinh nghiệm xã hội loài người. Ngôn ngữ còn là công cụ biểu đạt tư tưởng, tình cảm, công cụ giao tiếp giữa các thành viên trong xã hội.
Theo triết học Mac – Lênin, ngôn ngữ là sản phẩm của sự phát triển lịch sử xã hội. Tư duy và ngôn ngữ được hình thành và phát triển trong quá trình lao động.
Theo Usinxkin: “Ngôn ngữ là cơ sở của mọi sự phát triển trí tuệ và là kho tàng của mọi kiến thức. Tất cả mọi sự hiểu biết đều bắt đầu từ ngôn ngữ, thông qua ngôn ngữ và trở lại cũng bằng ngôn ngữ.”
Hơn nữa tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, là chìa khóa để đón nhận sự phong phú rộng lớn của kho tàng kiến thức, là phương tiện để trẻ khám phá thế giới với các sự vật hiện tượng xung quanh mình và sự khẳng định mình trong môi trường đó. Việc phát triển ngôn ngữ làm phong phú đời sống tinh thần của trẻ, đáp ứng nhu cầu giao tiếp của trẻ với mọi người xung quanh. Đồng thời nó còn là điều kiện để phát triển tư duy, giúp trẻ học tập, vui chơi và phát triển hài hòa toàn diện.
Chính vì điều đó, mà ngay từ đầu trẻ được tiếp cận với nền giáo dục ở độ tuổi tâm lý, tiếp xúc và cảm nhận được quá trình giáo dục qua nhiều hình thức, phải nói đến vai trò hết sức quan trọng trong chương trình giáo dục là việc cho trẻ làm quen văn học (LQVH). Bởi vì ngay từ thuở bé, trẻ vẫn thường được nghe bà kể những câu chuyện cổ tích, hay những câu hát ru ngọt ngào của mẹ. Vì vậy việc cho trẻ LQVH ở trường mầm non nhằm giúp trẻ hiểu phần nào về truyền thống của dân tộc, lòng nhân ái, thủy chung, tự tin, lạc quan. Văn học còn giúp trẻ phát triển thẩm mỹ, óc sáng tạo, đồng thời phát triển ngôn ngữ nói mạch lạc cho trẻ.
Nhận thức tầm quan trọng nêu trên tôi mạnh dạn chọn đề tài: “Giúp trẻ phát triển ngôn ngữ thông qua môn làm quen văn học.”
1.1. Các giải pháp thực hiện, các bước và cách thực hiện
Biện pháp 1: Cho trẻ làm quen văn học ở mọi nơi, mọi lúc
Đối với trẻ việc làm quen văn học ở mọi nơi mọi lúc trong điều kiện thích hợp sẽ có tác dụng rất lớn trong việc ghi nhớ lâu hơn. Mặc dù biết rằng ở lứa tuổi này rất dễ nhớ nhưng lại mau quên, tư duy còn nhiều hạn chế, nhưng với hình thức “Học bằng chơi, chơi mà học” đó là bản chất vốn có của lứa tuổi mầm non. Như vậy trong giờ hoạt động vui chơi chúng ta nên lồng ghép các bài thơ có liên quan đến chủ đề chơi.
Ví dụ: Khi tổ chức cho trẻ tham gia thực hiện an toàn giao thông chúng ta có thể lồng ghép một số câu chuyện kể: Câu chuyện “Qua đường” hay câu chuyện “Vì sao thỏ bị cụt đuôi” mục đích giáo dục cho trẻ phải cẩn thận khi qua đường đồng thời ta đưa hình ảnh của câu chuyện vào cho trẻ xem để dễ nhớ.
Hoặc trong các giờ ăn hằng ngày của trẻ cô có thể kể cho trẻ nghe những câu chuyện chẳng hạn như truyện kể “Thánh Gióng”,…nhằm giúp trẻ ăn ngon miệng, ăn hết khẩu phần và tăng phần vui khỏe trong khi ăn, bên cạnh đó lại được hiểu biết thêm về nhân vật lịch sử. Hay trong giờ ngủ tôi thường tìm những câu chuyện kể mới lạ kể cho trẻ nghe và đọc những bài thơ có vần thơ êm dịu từ đó trẻ sẽ khắc ghi được nội dung câu chuyện đưa trẻ chìm vào giấc mơ trưa được sâu hơn, êm ái hơn. Đó cũng là một trong những hình thức truyền thụ văn học đến với trẻ.
Hơn nữa thông qua các buổi sinh hoạt ngày hội ngày lễ, ngày hội ở trường thường có các tiết mục văn nghệ nên tăng cường cho trẻ được đóng kịch, đọc thơ, kể chuyện. Bởi vì khi được đứng trên sân khấu trẻ sẽ cố gắng hết mình để diễn xuất thật hay, hiểu hơn vai mình đang diễn. Qua các lần biểu diễn như vậy khuyến khích các cháu càng thêm yêu thích môn văn học, tăng thêm sự ham muốn thực hiện được như bạn từ đó trẻ sẽ cố gắng đọc thơ, kể chuyện diễn cảm hơn nữa. Hoặc cuối tuần thường có buổi biểu diễn văn nghệ tại lớp cô nên tổ chức dưới nhiều hình thức, nhằm mục đích tăng thêm phần tích cực cho trẻ tham gia mọi hoạt động của lớp tạo sự gần gũi, mạnh dạn tự tin hơn trước đám đông, qua những lần như vậy tạo niềm vui cho trẻ, đồng thời phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ.
Biện pháp 2: Truyền thụ văn học đến với trẻ qua nhiều hình thức
a) Tạo môi trường và đồ dùng học tập, rèn luyện cho trẻ
Trẻ mẫu giáo rất hiếu động, thích khám phá những điều mà mình chưa biết, nghe những câu chuyện ngộ nghĩnh đầy tính thiết thực, hoặc là những câu chuyện đời thường mang tính giáo dục cao và hình ảnh minh họa, đồ dùng đẹp mắt hấp dẫn trẻ.
Tôi nhận thấy việc làm đồ dùng đồ chơi rất quan trọng và cần thiết cho trẻ, đồ dùng đồ chơi phong phú sẽ góp phần thu hút sự chú ý của trẻ, chính vì vậy mà tôi luôn tìm kiếm những nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương để làm đồ dùng đồ chơi cho trẻ như: Sách báo, lịch cũ, lõi giấy vệ sinh, ống lon, chai nhựa, xốp, vải vụn, quần áo cũ, …nhằm giúp trẻ học tốt môn văn học.
Ví dụ: Rối tay làm bằng vải vụn “Câu chuyện 3 cô gái”
Nguyên vật liệu: Vải vụn, nút áo, bông gòn.
Cách làm: In mẫu vào bìa, cắt vải thành chi tiết đầu, mình, chân cắt rời. Dùng kim chỉ may các bộ phận của rối lại, sau đó nhồi bông vào phần đầu của rối, chừa lại phần thân và tay sao cho chúng chuyển động được. (Hình1)
Cách sử dụng: Rối tay có tác dụng tốt, phù hợp với đặc điểm phát triển tâm sinh lý trẻ em. Cô giáo dùng để diễn tả các động tác của nhân vật trong các câu chuyện kể giúp cho trẻ có những cảm xúc trước những hình ảnh ấy, làm cho trẻ cảm nhận được cái thiện, cái ác về các nhân vật trong câu chuyện để câu chuyện đạt tới mục đích.
Không chỉ làm rối tay, mà tôi thường dựa vào từng chủ đề để lên kế hoạch làm đồ dùng đồ chơi một cách cụ thể, mỗi chủ đề đều có một bộ đồ dùng đồ chơi phục vụ cho quá trình giảng dạy và vui chơi của trẻ. Hằng tháng tôi và các cháu đều sử dụng những vật liệu có sẵn như giấy vụn, các loại lá, giấy màu, hột hạt, hình ảnh sưu tầm được,… để xé dán thành những cuốn truyện tranh và gợi ý cho trẻ tự kể chuyện theo trí tưởng tượng của mình.
Khi kể chuyện cô thường sử dụng những loại truyện tranh, do đó việc vẽ trang trí cũng góp phần làm cho trẻ hứng thú khi nghe, xem hoặc muốn được sử dụng sách. Trẻ sẽ biết cách sử dụng sách và giữ gìn sách, tranh truyện.
Không những thế cô luôn chú ý bố trí sắp xếp các học cụ, đội hình để tạo môi trường học thỏa mái cho trẻ. Như khi thực hiện các hoạt động làm quen văn học thể loại truyện kể, mà trọng tâm là dạy kể chuyện sáng tạo, cô luôn tận dụng không gian lớp học để bày đạo cụ kể chuyện, khung sân khấu và các con rối sao cho trẻ dễ sử dụng, kích thích trẻ hoạt động tích cực hơn. ( Hình 2)
b) Tổ chức hoạt động trên tiết học
Để tổ chức một tiết học tạo cho trẻ hứng thú, thì giáo viên tạo tình huống để vào bài một cách sinh động thu hút sự chú ý của trẻ. (Hình 3)
Ví dụ: Kể chuyện “ Vòi nước khóc”, cô tạo tình huống cho trẻ nghe tiếng vòi nước chảy và kết hợp giáo dục trẻ tiết kiệm nước.
Ngoài ra cô thường chú ý đến khả năng phát âm của trẻ trong các hoạt động để có sự điều chỉnh và sửa sai, rèn luyện khả năng ngôn ngữ cho trẻ.
Qua hoạt động hoạt động giáo dục âm nhạc tôi dạy trẻ bài hát “ Trường chúng cháu là trường mầm non” có nhiều tiếng “Trường” nhưng trẻ phát âm thành “tường”
Vd: Ai hỏi cháu cháu học tường nào đó….
Khi về nhà là lại nhớ đến tường hơn…
Cũng như trong làm quen văn học dạy trẻ đọc thơ, bài thơ “Bé nhìn biển” có câu thơ “Nghìn con sóng khỏe” nhưng một số trẻ phát âm thành “nhìn con sóng khỏe” cô đã sữa sai cho các cháu để các cháu phát âm đúng.
Trước khi tổ chức hoạt động bản thân cô giáo cũng phải tự luyện phát âm, giọng kể, cách sử dụng tranh, truyện, rối, mô hình,…để giúp trẻ cảm thụ được tác phẩm văn học đó một cách tốt nhất.
c) Chú ý rèn nề nếp, rèn kỹ năng và kích thích sự sáng tạo của trẻ
Trẻ biết chia nhóm kể chuyện, tạo cho trẻ cảm giác tự tin, mạnh dạn, nhanh nhẹn và linh hoạt qua việc trẻ thể hiện vai.
Tạo điều kiện cho trẻ tự thỏa thuận và tự chọn vai kể theo ý thích về sự sáng tạo của trẻ. Có thể dùng lời để khuyến khích, động viên trẻ thực hiện các vai diễn sáng tạo.
Biện pháp 3: Làm quen văn học kết hợp với các bộ môn khác.
Tôi sưu tầm những bài thơ câu chuyện thông qua các hoạt động chung khác để giúp trẻ làm quen văn học.
Theo phương pháp dạy học tích hợp các bộ môn làm quen văn học có thể lồng ghép, kết hợp với tất cả các bộ môn khác như: Toán, âm nhạc, tạo hình,…nhằm giúp cho các bộ môn khác trở nên sinh động và tạo cơ hội cho trẻ hoạt động tích cực, chủ động từ đó phát huy hết tính sáng tạo của trẻ. (Hình 4)
Ví dụ:
* Môn âm nhạc:
Đề tài: Câu chuyện: “Vòi nước khóc” có thể kết hợp với bài hát “Giọt mưa và em bé, cho tôi đi làm mưa với”
Đề tài: “Sẻ con tìm bạn”, cho trẻ vận động theo bài “Chim mẹ chim con”.
* Môn khám phá khoa học:
Đề tài: Động vật nuôi trong gia đình, câu chuyện “Gà trống, mèo con và cún con”, trẻ biết tên, đặc điểm, nơi sống của một số con vật nuôi trong gia đình.
* Môn toán:
Đề tài: “Cao hơn – thấp hơn” Câu chuyện: “Hai anh em”.
Trẻ áp dụng được sự so sánh đặc điểm về ngoại hình của hai anh em.
* Môn tạo hình:
Vẽ nặn nhân vật trong bài thơ, câu chuyện.
Đề tài: Nặn hoa hồng qua câu chuyện “Sự tích hoa hồng”
Thông qua câu chuyện này trẻ tưởng tượng lại hoa hồng và từ đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo, trẻ nặn được hoa hồng theo ý thích của mình.
Biện pháp 4: Tập cho trẻ xem tranh truyện ở góc thư viện
Muốn cho trẻ cảm thụ tác phẩm văn học ở nhiều hình thức khác nhau nhằm mục đích giúp trẻ thể hiện tình cảm của mình qua các tác phẩm văn học. Vì vậy ở lớp cô xây dựng góc thư viện phong phú với nhiều thể loại, vừa tầm với trẻ, để trẻ hằng ngày được xem tranh ảnh trãi nghiệm biết cách mở trang sách, biết cách đọc và phát âm chữ cái đã học, biết cách bảo quản giữ gìn sách cùng bạn. Đây là một môi trường phong phú nhằm giúp trẻ làm quen với việc “Đọc sách” từ tuổi mẫu giáo. Có thể trẻ không đọc được chữ dưới tranh, hoặc truyện mà phần lớn trẻ chỉ xem hình và nói lên suy nghĩ cùng bạn một cách thỏa mái, có lúc trẻ sẽ kể lại chuyện tương tự với hình ảnh trẻ trông thấy hằng ngày, đây cũng là một trong những hình thức trẻ tự tìm tòi khám phá nhằm phát triển tư duy, óc sáng tạo và đây là bước đầu hình thành cho trẻ một số kỹ năng “Đọc – viết” là tiền đề cho trẻ sau này. (Hình 6 )
Việc trang trí góc thư viện đọc sách là một trong những động lực làm hấp dẫn lôi cuốn trẻ, trẻ nhìn vào thấy đẹp mắt sách tranh mới kích thích trẻ tò mò muốn đến xem. Từ đó sẽ rèn luyện cho trẻ khả năng quan sát, yêu thích cảm thụ tác phẩm văn học sâu sắc hơn.
Có được môi trường hoạt động như vậy ngoài việc giúp trẻ phát triển tư duy sáng tạo, cảm thụ văn học thì còn giúp trẻ bộc lộ khả năng kể sáng tạo tác phẩm văn học qua tranh.
Biện pháp 5: Thông qua tuyên truyền với phụ huynh
Ngoài những hình thức trên thì một vấn đề không kém phần quan trọng là công tác phối hợp với phụ huynh nhằm mục đích phối hợp trẻ học tốt và công tác giảng dạy trở nên có hiệu quả hơn.
Tuyên truyền dưới nhiều hình thức:
Trong các giờ đón trả trẻ giáo viên thường trao đổi với phụ huynh về việc học của cháu, tôi cũng luôn khuyến khích phụ huynh tạo điều kiện để trẻ được lắng nghe chương trình “Kể chuyện đêm khuya” dành cho các bé. Chương trình này rất hay và bổ ích vì thông qua sự diễn xuất của các nghệ sĩ từ đó trẻ được tiếp xúc với các giọng kể và chất giọng khác nhau qua từng tình huống từng lời thoại của nhân vật từ đó cung cấp thêm cho trẻ khả năng diễn xuất, thể hiện vai cũng như cách đọc thơ, kể chuyện diễn cảm.
Động viên phụ huynh dành thời gian kể chuyện, đọc truyện cho cháu nghe trước khi đi ngủ.
Ở bảng tuyên truyền tôi luôn thay đổi nội dung hình ảnh phù hợp với chủ đề.
Tuyên truyền phát thanh măng non: Bài phát thanh có nội dung theo chủ đề, những câu chuyện hấp dẫn lôi cuốn. Phát thanh vào giờ đón, trả trẻ để phụ huynh và cháu được nghe.
Tuyên truyền qua các góc chơi, đặc biệt qua góc thư viện: Có kệ để sách, treo tranh, hình ảnh xinh xắn và thay đổi thường xuyên để lôi cuốn trẻ.
1.2. Phân tích tình trạng của giải pháp đã biết
* Ưu điểm
Nhà trường quan tâm đến công tác nâng cao chất lượng giáo dục, và đã tạo điều kiện tổ chức bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên thường xuyên, là nhiệm vụ trọng tâm trong mục tiêu phát triển nhà trường.
Giáo viên nhiệt tình, luôn tâm huyết với nghề, học hỏi nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, tin học và quyết tâm phấn đấu xây dựng, giữ vững danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc và trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia.
Phụ huynh quan tâm đến con em, nhiệt tình ủng hộ cùng tôi trong việc dạy dỗ các cháu và thường xuyên ủng hộ những nguyên vật liệu để làm đồ dùng dạy học và vui chơi cho các cháu.
* Nhược điểm
Trường mầm non Đại Hồng là một trường thuộc xã miền núi, điều kiện kinh tế ở địa phương gặp nhiều khó khăn.
Đa số bố mẹ các cháu làm nông, nên không có thời gian để phối kết hợp thực hiện các biện pháp giáo dục trẻ cùng với nhà trường, cùng tạo điều kiện, cơ hội cho trẻ được củng cố kiến thức, ôn luyện, rèn các kỹ năng thường xuyên.
Trẻ chưa phân biệt được sự khác nhau trong cách phát âm mà chỉ tiếp cận một cách chung chung. Kinh nghiệm sống của trẻ còn nghèo nàn, nhận thức hạn chế dẫn đến tình trạng trẻ dùng từ chưa chính xác, câu văn diễn đạt còn lũng cũng.
Đa số trẻ phát âm chưa chuẩn do ảnh hưởng ngôn ngữ của tiếng địa phương.
Với những khó khăn như thế tôi dần dần phải khắc phục, sửa đổi để cho việc dẫn dắt trẻ đến với môn làm quen văn học được dễ dàng hơn.
1.3. Nội dung đã cải tiến sáng tạo để khắc phục những nhược điểm hiện tại
Thực tế những năm qua bản thân còn nhiều hạn chế. Khi dạy còn nặng nề truyền thụ kiến thức theo con đường mòn, chưa phát huy tính tích cực sáng tạo của trẻ. Bên cạnh đó một số phụ huynh thiếu quan tâm, chăm sóc giáo dục trẻ, cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng chưa đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục.
Trong thời gian thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, tôi nhận thấy ở chương trình này cách hướng dẫn của cô theo phương pháp gợi mở, tổ chức cho trẻ tự tìm tòi, khám phá nhằm thỏa mãn sự tò mò ham hiểu biết của trẻ. Các cháu được chủ động tích cực tham gia các hoạt động một cách thoải mái, không bị gò bó bởi khuôn khổ cứng nhắc của cô, trẻ được trao đổi bàn bạc giúp ngôn ngữ được phát triển mạch lạc, đặc biệt là khả năng diễn đạt. Trẻ tập được tính tự lập và các thói quen tự phục vụ, biết chia sẻ và hợp tác cùng bạn bè, tổ chức các hoạt động theo phương pháp mới giúp trẻ tự tin, nhanh nhẹn hơn.
1.4. Khả năng áp dụng của sáng kiến
Qua một năm thực hiện các biện pháp giúp trẻ phát triển ngôn ngữ thông qua môn LQVH đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ cụ thể như sau:
Bản thân đã chủ động nghiên cứu, vận dụng khá linh hoạt phương pháp, tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục theo hướng mở, sinh động thu hút học sinh tham gia tích cực, kích thích phát triển khả năng từng trẻ.
Với các biện pháp được tổ chức dưới nhiều hình thức được áp dụng trong chương trình giảng dạy cho trẻ LQVH, phần lớn đem lại hiệu quả chất lượng rõ rệt, đã có nhiều cháu đọc thơ hay, kể chuyện tốt, luôn có hứng thú với môn học, thể hiện bản chất tốt ngay từ trong việc giao tiếp với bạn bè, lễ phép với cô giáo và mọi người xung quanh, biết khen ngợi và lên án những hành động xấu.
85% kinh nghiệm sống của trẻ đã phong phú hẳn lên, trẻ hứng thú tham gia học, phát biểu, kể chuyện và đóng kịch.
80% đối với trẻ mới, trẻ yếu, trẻ chậm đã mạnh dạn tham gia vào các hoạt động thể hiện vai, kể chuyện.
85% Trẻ biết kể chuyện sáng tạo và phát huy khả năng tưởng tượng tốt.
85% trẻ kể chuyện theo trí nhớ tốt.
90% Trẻ tham gia thể hiện tốt vai diễn.
90% Trẻ đã phát âm chính xác hơn, ít sử dụng ngôn ngữ địa phương.
1.5. Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến
Để thực hiện tốt việc giáo dục lấy trẻ làm trung tâm nhà trường hỗ trợ cho giáo viên về các phương tiện như máy móc, cơ sở vật chất. Chuyên môn hỗ trợ về phương pháp dạy trẻ theo hướng đổi mới lấy trẻ làm trung tâm. Phụ huynh hỗ trợ về nguyên vật liệu để cô giáo tạo tra những đồ dùng dạy trẻ tốt hơn, còn học sinh tích cực tham gia vào hoạt động cô tổ chức.
1.6. Hiệu quả sáng kiến mang lại
Phụ huynh ủng hộ cho trẻ mang thêm đồ dùng, đồ chơi, tranh ảnh, sách báo sưu tầm, truyện tranh phù hợp với chủ đề, góp phần phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ, giúp trẻ hứng thú trong khi học môn làm quen văn học.
Với các biện pháp được tổ chức dưới nhiều hình thức được áp dụng trong chương trình giảng dạy cho trẻ LQVH, phần lớn đem lại hiệu quả chất lượng rõ rệt, đã có nhiều cháu đọc thơ hay, kể chuyện tốt, luôn có hứng thú với môn học, thể hiện bản chất tốt ngay từ trong việc giao tiếp với bạn bè, lễ phép với cô giáo và mọi người xung quanh, biết khen ngợi và lên án những hành động xấu.
2. Những thông tin cần được bảo mật: Không.
3. Danh sách những người đã tham gia áp dụng thử hoặc áp dụng sáng kiến lần đầu (nếu có): Không
4. Hồ sơ kèm theo (Bản mô tả nội dung sáng kiến có thể minh họa bằng các bản vẽ, thiết kế, sơ đồ, ảnh chụp mẫu sản phẩm…)

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chương trình chăm sóc giáo dục trẻ 4 – 5 tuổi.
2. Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ qua bộ môn làm quen văn học.
3.Website hỗ trợ giảng dạy và chăm sóc trẻ em.www.mamnon.com.
4. Tâm lí học trẻ em.
5. Văn học tiếng việt thực hành.
6. Sách làm đồ dùng, đồ chơi từ vật liệu thông thường – Nhà xuất bản Giáo dục.
7. Các video tiết dạy lấy trẻ làm trung tâm trên Yotube.

HÌNH ẢNH

Cảm nhận của Phụ huynh

Anh Võ Thành Hưng – Phụ huynh bé: Võ Gia Huy – Lớp nhỡ

ôi chưa từng thấy một ngôi trường mầm non nào có sân chơi rộng rãi – sạch sẽ – thoáng mát và nhiều trò chơi bổ ích như ngôi trường mầm non này ! Thật là bất ngờ thú vị , nó giống như một công viên thiếu nhi thực thụ ! Hàng ngày mỗi buổi sáng , tôi đều cùng bé Gia Huy chơi đùa dưới sân trước giờ học, bé rất thích thú và học hỏi được nhiều điều mới lạ. Và từ một đứa bé rụt rè nhút nhát, đến nay, sau hơn 4 tháng học tập vui chơi ở đây, bé đã được phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần lên rất nhiều !