KPKH: Bé biết gì về chú Kiến nhỏ. Độ tuổi: 5-6 tuổi. Cô Nguyễn Thị Thu Hằng
GIÁO ÁN
Chủ đề nhánh: CÔN TRÙNG CÓ CÁNH, KHÔNG CÁNH.
Hoạt động học: KPKH
Đề tài: Bé biết gì về chú Kiến nhỏ?
Độ tuổi: 5-6 tuổi
Cô Nguyễn Thị Thu Hằng
1. Mục đích yêu cầu
a) Kiến thức
Trẻ nói được một số đặc điểm chính của con Kiến: Có 6 chân, có đầu, râu…thuộc nhóm côn trùng.
Biết được quá trình sinh trưởng và môi trường sống của Kiến: Kiến đẻ trứng, sống theo bầy đàn, sống ở trên cây, ở dưới đất….ở khắp mọi nơi. Kiến ăn nhiều loại thức ăn: Ăn động vật khác, ăn nấm, ăn đồ ngọt, ăn các loại hạt như gạo, đậu, …
Cách kiếm mồi của Kiến: Khi nhìn thấy mồi, hay có kẻ thù tấn công Kiến phát tín hiệu truyền tin cho nhau bằng cái râu trên đầu, để tha mồi về tổ, tránh kẻ thù.
Biết được một số loại Kiến như: Kiến vàng, Kiến đen, Kiến cánh, …
b) Kỹ năng
Phát triển khả năng ghi nhớ, quan sát, mô tả lại.
Trẻ biết sử dụng ngôn ngữ chính xác, trả lời mạch lạc, rõ ràng các câu hỏi
Rèn thao tác nhanh nhẹn khi tham gia trò chơi.
Có kĩ năng giao tiếp giao lưu với các nhóm chơi.
c) Giáo dục
Giáo dục trẻ tính siêng năng, chăm chỉ, đoàn kết.
Giáo dục trẻ không nghịch chọc phá Kiến.
2. Chuẩn bị
Đồ dùng của cô
Tranh quá trình sinh trưởng của Kiến.
Video về hoạt động của kiến. Video về tinh thần đoàn kết của Kiến.
Các bài hát, trò chơi về con kiến, máy vi tính, …
Đồ dùng của trẻ
Các hạt gạo cắt bằng xốp niền niễn
Phương pháp quan sát, trò chuyện, luyện tập, trò chơi.
3. Tiến trình hoạt động
a) Hoạt động mở đầu
Lớp hát bài hát “Con Kiến mà leo cành đa”.
Các con vừa hát bài hát nói về con gì nào?
b) Hoạt động nhận thức
Thế lớp mình đã thấy kiến bao giờ chưa? Con thấy Kiến ở đâu nào!
Tóm ý: Kiến sống ở dưới đất, sống trên cây, sống ở khắp mọi nơi…Thế bạn nào biết Kiến có mấy chân? Có rất nhiều ý kiến khác nhau.
Vậy để biết Kiến có mấy chân, Kiến có cấu tạo như thế nào, hôm nay cô cho các con quan sát chú Kiến nhỏ nhé!
Quan sát và phát hiện.
Cho trẻ xem Kiến trên màn hình. Thế sau khi quan sát chú Kiến, lớp mình đã phát hiện ra những gì về Kiến? Con đã thấy gì nào? Kiến có cấu tạo như thế nào? (Có những bộ phận gì?) Trẻ trả lời tùy ý.
Để xem ý kiến của các bạn đúng không, cô mời các con cùng hướng lên màn hình xem chú Kiến được phóng to. Con xem Kiến có các phần gì đây?
Tóm ý: Cấu tạo của Kiến gồm 3 phần: Phần Đầu, mình, chân. Kiến có bao nhiêu chân, lớp mình cùng đếm chân của Kiến nào.
Kiến có 6 chân, thuộc nhóm côn trùng đấy các con. Thế con biết chân của Kiến dùng để làm gì? Kiến bò như thế nào? (Trẻ làm động tác Kiến bò)
Phần đầu của Kiến có gì?(Mắt, Miệng, Râu)
Đây là các bộ phận quan trọng của Kiến. Các con hãy quan sát thật kỹ, xem Kiến dùng các bộ phận đó để làm gì nhé!
Cho trẻ xem đoạn phim các hoạt động của Kiến (Kiến truyền tin, Kiến tha mồi, Kiến cắt lá.)
Đoạn phim rất hay, thế con đã nghe và thấy được những gì trong đoạn phim đó? (Trẻ trả lời tùy thích)
Kiến dùng miệng làm gì nào? Miệng Kiến có hàm răng rất khỏe, Kiến cắn rất đau, nên các con không được chọc phá hay nghịch Kiến.
Con còn phát hiện ra điều gì nữa nào!
Kiến thường chạm râu vào nhau để truyền tín hiệu, truyền tin tức cho nhau, khi có mồi hay có kẻ thù tấn công. Đôi râu của Kiến có tác dụng rất là đặc biệt. Thế con thử mô phỏng động tác truyền tin của Kiến xem nào! (Trẻ chạm râu vào nhau)
Con nhớ lại xem, gần cuối đoạn phim đã nói về con Kiến gì mà nó sinh sản được đấy các con?
Cho trẻ xem quá trình sinh trưởng của Kiến.
Một vài trẻ nhắc lại quá trình sinh sản của Kiến.
Tóm ý: Trong một đàn Kiến thì chỉ có Kiến Chúa đẻ trứng, sau một thời gian trứng chuyển thành ấu trùng, tiếp đến ấu trùng chuyển thành nhộng, nhộng lột xác thành nhộng, nhộng phát triển thành kiến trưởng thành sống theo bầy, đàn. Ngoài tính siêng năng, chăm chỉ lao động ra, Kiến còn có tinh thần đoàn kết rất cao.
Mời các con xem đoạn phim tiếp theo: Con thấy gì trong đoan phim đó?
Các bạn Kiến như thế nào? Kiến có tinh thần tập thể, tinh thần đoàn kết rất cao, cùng nhau xây tổ, cùng nhau tha mồi và cùng chống lại khi có kẻ thù tấn công. Và cô muốn các bạn lớp mình cũng thế. Cùng đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, giống như các bạn Kiến vậy.
Ngoài loại Kiến trên con còn biết những loài Kiến nào khác nữa? Cho trẻ xem một số hình ảnh về các loài Kiến.
Ngoài vài chú Kiến có hại ra thì vẫn có những chú Kiến có lợi đấy các con, như Kiến Vàng là bạn của nhà nông, giúp bác nông dân ăn sâu bọ, bảo vệ mùa màng. Thế ngoài sâu bọ ra Kiến còn thích ăn gì nữa nào?
Tóm ý: Kiến ăn nhiều loại thức ăn: Ăn nấm, ăn đồ ngọt, ăn các loại hạt như đậu, gạo.
Và hôm nay cô đã chuẩn bị rất nhiều mồi. Các con hãy làm những chú Kiến cùng nhau tha mồi về tổ.
Bây giờ các con hãy chia làm hai đội: Đội Kiến vàng, Kiến đen.
Hát: Kiến tha mồi
Trò chơi 1: Kiến tha mồi.
Cách chơi: Hai trẻ trong một đội lần lượt bò lên lấy mồi kẹp vào trán, phối hợp với nhau tha mồi về tổ. Đội nào tha được nhiều mồi, sẽ được cô khen.
Luật chơi: Bạn trong đội tha mồi về tổ rồi, mình mới được lên.
Trò chơi 2: Cùng nhau thi tài.
Cách chơi: Trẻ chia làm 3 nhóm: Xếp đúng quá trình sinh trưởng của Kiến. Nhóm nào xếp đúng, xếp đẹp là nhóm chiến thắng, sẽ được cô khen.
Luật chơi: Xếp trong thời gian 2 phút. Xếp đúng, đẹp.
Giáo dục: Vừa rồi các con đã được khám phá về chú Kiến, các con đã biết được nhiều điều thú vị về chú Kiến, nhưng cô thích nhất là tính đoàn kết, siêng năng, chăm chỉ lao động của chú Kiến. Cô muốn tất cả các bạn lớp mình hãy là những chú Kiến nhỏ chăm chỉ học tập, đoàn kết giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn.
c) Kết thúc hoạt động
Bây giờ các chú Kiến cùng đi chơi nào.
Lớp hát: Đàn Kiến và ra ngoài.