SKKN: “Một số kinh nghiệm trong việc sáng tạo đồ dùng đồ chơi cho trẻ 5 – 6 tuổi từ nguyên vật liệu phế thải”. Cô Nguyễn Thị Hương
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
BÁO CÁO SÁNG KIẾN
1.Tên sáng kiến: “Một số kinh nghiệm trong việc sáng tạo đồ dùng đồ chơi cho trẻ 5 – 6 tuổi từ nguyên vật liệu phế thải”
2.Mô tả bản chất của sáng kiến
Đồ dùng đồ chơi có tác dụng lớn đến việc hình thành và phát triển nhân cách trẻ. Chính những đồ chơi này giúp trẻ được thao tác, được hoạt động, trải nghiệm, được thể hiện những nhu cầu cá nhân, được phát triển cân đối hài hòa, từ đó giúp trẻ phát triển toàn diện.
Ngày nay đời sống kinh tế – xã hội phát triển; đồ dùng, đồ chơi của trẻ cũng rất phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Trong số đó, có một số đồ dùng, đồ chơi bổ ích mang tính giáo dục nhưng cũng có những đồ dùng, đồ chơi mang tính bạo lực, phi giáo dục đối với trẻ. Đồ chơi công nghiệp luôn có sẵn nhưng không phải lúc nào gia đình và nhà trường cũng đáp ứng nhu cầu về đồ dùng, đồ chơi trong tất cả các hoạt động của cô và trẻ.
Trong đời sống hằng ngày, mỗi gia đình chúng ta sau khi sử dụng sản phẩm còn bỏ lại những lượng “phế thải” như vỏ hộp sữa, hộp bánh, kẹo, bìa, giấy, chai nhựa,…khá lớn. Đó là nguồn vật liệu rất đa dạng, phong phú. Nếu chúng ta có ý thức thu gom, chọn lọc từ nguồn phế thải đó sẽ là nguồn nguyên liệu vô tận để làm đồ dùng, đồ chơi. Từ những hộp sữa sẽ tạo thành chiếc cầu, bập bênh, thành những trống lắc…còn vỏ sữa chua làm thành những chú chim, chú ngỗng, con lợn… cũng rất xinh xắn. Tận dụng nguồn nguyên vật liệu phế thải làm đồ dùng, đồ chơi thì sẽ tiết kiệm được tiền mua đồ dùng, đồ chơi mà còn tạo ra nhiều đồ dùng, đồ chơi mang tính sáng tạo, hấp dẫn, phong phú. Qua đó hình thành ý thức cho trẻ, tuyên truyền cho phụ huynh và cộng đồng về việc bảo vệ môi trường. Đồng thời góp phần giảm thiểu lượng phế thải cũng như giảm chi phí cho việc xử lí rác của ngành vệ sinh môi trường; để môi trường sống được cải thiện đáng kể. Chính vì điều đó, hằng năm tôi đã làm đồ dùng, đồ chơi từ nguyên vật liệu phế thải cho trẻ trải nghiệm một cách có hiệu quả.
Từ thực tế giảng dạy, tôi thấy nhu cầu về đồ dùng, đồ chơi của cô và trẻ là rất cần thiết, trong khi đó đồ dùng, đồ chơi cho một hoạt động còn hạn chế nhiều mặt. Cho nên việc tận dụng nguyên vật liệu phế thải để làm đồ dùng, đồ chơi là một giải pháp góp phần tạo điệu kiện cho trẻ được phát triển toàn diện, góp phần bảo vệ môi trường và tiết kiệm kinh phí trong việc mua sắm đồ chơi.
Sau đây tôi xin trình bày sáng kiến kinh nghiệm của mình với đề tài “Một số kinh nghiệm trong việc sáng tạo đồ dùng đồ chơi cho trẻ 5 – 6 tuổi từ nguyên vật liệu phế thải”
2.1. Các bước và cách thức thực hiện giải pháp
a) Giải pháp 1: Lên kế hoạch những đồ dùng đồ chơi cần làm và dự định nguồn nguyên vật liệu để làm các đồ dùng đồ chơi đó.
Căn cứ theo Chương trình giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo như thông tư 02/2010/TT-BGDĐT ngày 11 tháng 02 năm 2010 Ban hành danh mục đồ dùng, đồ chơi mầm non, thiết bị dạy học tối thiểu đối chiếu với danh mục trên với thực tế đồ chơi theo độ tuổi của lớp đang phụ trách, lựa chọn nội dung, chủ đề tổ chức hoạt động giáo dục cho phù hợp từ đó lập kế hoạch sưu tầm, tận dụng những nguồn vật liệu sẵn có, phong phú của địa phương trong việc làm đồ dùng đồ chơi dạy học.
Xây dựng kế hoạch bám sát với kế hoạch của nhà trường, phù hợp với tình hình thực tế của lớp, của địa phương làm ra những bộ đồ dùng, đồ chơi tự tạo bền, đẹp và sử dụng hiệu quả trong các hoạt động vui chơi và học tập, giúp trẻ tích cực, sáng tạo trong các hoạt động cô tổ chức.
Ngay từ đầu năm tôi rà soát lại các đồ dùng đồ chơi trong lớp, đồ dùng nào đã có, đồ dùng nào cần bổ sung, đồ dùng nào thay đổi nguyên vật liệu và lên kế hoạch làm đồ dùng đồ chơi dạy học cho lớp như sau:
ST T
Chủ đề Chủ đề
nhánh Tên đồ dùng Nguyên vật liệu
1 Trường mầm
non Đồ dùng đồ
chơi
trong trường
Mầm non.
Nhà banh
Ngôi trường
Cầu trượt
Xích đu
Cây xanh Bình nhựa, phễu banh
bàn.
Chai nước mắm, Alu,
ống hút.
Ống hút.
2 Gia đình Ngôi nhà và
gia đình ở. Ngôi nhà Alu, Vải nỉ
Nhu cầu
gia đình
Nồi,chảo
chén,
dĩa
Bàn là
Bàn ghế
Bộ ly tách
Máy xay
sinh tố
Giỏ xách Hủ bơ, vỏ hộp xê, vỏ
sữa su su, xốp…
Bình nước rửa chén,xốp
Vỏ lon bia, vỏ lon nước
ngọt, đĩa CD
Vỏ chai nước ngọt, nỉ,
xốp
Vỏ hộp sữa chua, ly
nhựa, xốp
Vỏ canh nước giặt,
nước rửa chén.
3 Ngành nghề Nghề nông Cuốc, xẻng,
liềm
Vỏ canh nước giặt,
canh nước rửa chén, ống
nhựa, bình nhựa, sơn
màu đen, sơn màu bạc,
đề can màu gỗ…
Nghề bác sĩ Mũ, áo,
giỏ xách,
dụng cụ
khám bệnh Có thể tận dụng vải
thừa để may hoặc có thể
làm bằng xốp, nỉ
Bộ đội Mũ chú
bộ đội.
Ống nhòm Nắp ly trà sữa, xốp.
Chai nước ngọt, nắp
chai.
4 Động vật Đại dương
trong mắt bé
Cua, ếch,
cá, rùa, tôm. Bình nước lọc, ly
giấy, vỏ nghêu, hộp xê,
chai nhựa,…
Động vật
nuôi trong
gia đình Lợn, bò,
mèo, chó… Vỏ hộp sữa chua, vỏ
bình sữa, vải nỉ
b) Giải pháp 2: Sưu tầm, lựa chọn nhiều nguyên vật liệu khác nhau để làm đồ dùng đồ chơi phục vụ cho các hoạt động.
Tôi bắt đầu chọn lựa, tìm kiếm, tận dụng nguyên vật liệu ở dạng phế liệu, trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình thường có rất nhiều những nguyên vật liệu bỏ đi sau khi sử dụng như: Hộp xê, hộp bơ, que kem, bình nước rửa chén, đĩa CD, chai nhựa, lon bia, giấy báo, vỏ hộp sữa chua, vỏ các loại bình sữa….. Tận dụng các nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương: Vỏ nghêu, vỏ hến, vỏ đậu phụng, rơm khô, lá cây khô,… đó là những nguyên vật liệu rất phong phú và đa dạng có thể làm được những việc hữu ích, nếu chúng ta có ý thức thu gom chọn lọc từ nguồn phế thải đó và có ý tưởng làm đồ dùng, đồ chơi thì có thể biến những chiếc hộp bơ nhỏ thành những cái nồi, bình nước rửa chén thành bàn ủi, bình sữa chua thành bàn may, …và một số đồ chơi khác có thể để trang trí, để học và để trong các góc chơi trong trường mầm non để trẻ trải nghiệm. Những đồ chơi này vừa dễ làm vừa dễ sử dụng trong các giờ học và trong các hoạt động.
Nguyên vật liệu làm đồ chơi cho trẻ mầm non vô cùng phong phú và đa dạng, bên cạnh những gì nhà trường đã trang bị, ngay từ đầu năm học tôi đã huy động các phụ huynh học sinh cùng nhau đóng góp nguyên vật liệu để làm đồ dùng đồ chơi cho trẻ.
c) Giải pháp 3: Tổ chức cho trẻ làm đồ dùng đồ chơi từ những nguyên vật liệu đơn giản dễ tìm:
Có thể nói: Đồ chơi là một phương tiện không thể thiếu đối với bất kỳ đứa
trẻ nào đặc biệt là trong sự phát triển trí tuệ, nhân cách, thể chất cho trẻ. Đồ chơi mang lại cho trẻ nhiều niềm vui, nhiều trải nghiệm.
Chẳng hạn đến với từng chủ đề thì từ những nguyên vật liệu đã sưu tầm được tôi sẽ bắt đầu vào làm đồ dùng đồ chơi
Ví dụ:
* Chủ đề: “Trường mầm non”
Làm nhà banh
Chuẩn bị: Chai nhựa, alu, phễu, bóng và phụ liệu khác.
Cách làm: Cắt chai nhựa làm lồng nhà banh, dùng phễu đặt lên đầu chai nhựa làm mái nhà, dán Alu thành cầu thang gắn vào lỗ của thân bình, sơn bóng bàn nhiều màu để làm bóng.
Làm xích đu:
Chuẩn bị: Ống hút, xốp .
Cách làm: Từ những ống hút dán lại tạo thành 2 chân đứng của xích đu, sau đó lấy xốp cắt dán làm ghế để tạo thành một xích đu đồ chơi thật xinh xắn.
Với mô hình xây dựng trường Mầm non thì có rất nhiều đồ dùng đồ chơi cũng được làm từ nhiều nguyên vật liệu khác nhau có thể phục vụ cho hoạt động học, hoạt động chơi ở các góc…
Ví dụ: Với thùng bìa cactong, miếng xốp màu, que kem, nắp bia… Từ những vật liệu này tôi sẽ tạo ra mô hình trường mầm non, bìa cactong sẽ cắt và tạo ra thành những lớp học, xốp màu cắt dán thành cây xanh, các bé đi học, xốp màu dày sẽ làm hàng rào tạo khuôn viên trường, và tạo ra xích đu, cầu trượt. Với mô hình trường mầm non này các cô cho trẻ quan sát trò chuyện vào lúc hoạt động ngoài góc.
Mỗi một chủ đề đều có các đồ dùng đồ chơi để phục vụ cho trẻ trải nghiệm, trẻ hoạt động, trẻ vui chơi. Đến với chủ đề: “ Gia đình”.
Những đồ dùng phục vụ cho chủ đề gia đình.
Làm ngôi nhà của bé
Chuẩn bị: Alu, vải nỉ
Cách làm: Từ miếng alu tôi sẽ cắt thành các mặt của ngôi nhà, cắt mái nhà sau đó ghép lại với nhau để tạo thành hình ngôi nhà. Lấy vải nỉ màu trang trí để tạo thành ngôi nhà hoàn chỉnh.
Những đồ dùng phục vụ cho nhu cầu gia đình. ( nồi, chảo, chén, dĩa, phích nước, bàn là, bàn ghế, bộ ly tách, máy xay sinh tố…)
Chuẩn bị: Vỏ hộp bơ, hộp xê, bình sữa su su, bình nước rửa chén, canh nước rửa chén, vỏ lon bia, lon nước ngọt, vỏ chai nước ngọt, vỏ hộp sữa chua…
Cách làm: Từ vỏ hộp bơ, hộp xê tôi có thể xịt sơn hoặc trang trí từ vải nỉ để tạo thành những chiếc nồi, chảo, dĩa. Với những vỏ bình sữa su su có thể cắt lấy phần dưới trang trí thêm đề can để làm chén. Bình nước rửa chén có thể dán trang trí thêm giấy màu hình ảnh để tạo phích nước, canh nước rửa chén cắt lấy phần phía trên để làm nhũng cái bàn là, vỏ lon bia, lon nước ngọt cắt đôi trang trí giấy màu xung quanh để làm ghế, đĩa CD trang trí để làm mặt bàn, còn bộ ly tách tôi tận dụng những vỏ chai nước ngọt cắt lấy phần đáy làm ly lấy phần trên làm tách lấy nỉ, xốp để trang trí thêm tạo thành bộ tách trà, dùng vỏ hộp sữa chua, ly nhựa mỏng dán trang trí để tạo thành máy xay sinh tố…Những đồ dùng này có thể phục vụ cho trẻ chơi phân vai ở hoạt động góc rất gần gũi và thiết thực.
* Chủ đề: Động vật:
Đề tài: Thủ công làm những con vật ngộ nghĩnh ( Gà, thỏ, mèo, lợn, cá, cua, rùa,…)
Cô chuẩn bị vỏ hộp sữa chua, vỏ nghêu, đá sỏi, hộp xê, lõi giấy vệ sinh, đĩa CD, bình sữa chua, xốp màu, băng dính hai mặt, vỏ que kem, kéo,… để trẻ sáng tạo làm ra những con vật ngộ nghĩnh đáng yêu trong chủ đề “ Thế giới động vật”
Trong quá trình trẻ sáng tạo cô theo dõi, động viên trẻ hoàn thành sản phẩm theo ý thích. Qua đó cô phát hiện những trẻ có năng khiếu về tạo hình để có kế hoạch bồi dưỡng nhằm phát huy tài năng của trẻ.
d) Giải pháp 4: Tuyên truyền phụ huynh tận dụng, đóng góp nguyên vật liệu, cùng làm đồ dùng đồ chơi với trẻ.
Trong cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm tôi đã nêu ra những đồ dùng cần làm bằng nguyên liệu phế thải và vận động phụ huynh quyên góp để thực hiện. Và tôi đã tuyên truyền tích cực đến phụ huynh thông qua các buổi sáng đón trẻ, giờ trả trẻ, thông qua bảng tuyên truyền của lớp để phụ huynh đóng góp những nguyên vật liệu.
Để thực hiện tốt việc làm đồ dùng đồ chơi là nhờ một phần không nhỏ của các bậc phụ huynh tham gia đóng góp nguyên vật liệu đã qua sử dụng như: Nắp chai, ống hút, lõi giấy vệ sinh, chai nhựa, vỏ ốc, vỏ hến, đĩa CD…để cho cô giáo và trẻ cùng làm đồ dùng đồ chơi phục vụ cho các hoạt động trong giờ tạo hình.
2.2. Phân tích tình trạng của giải pháp đã biết
*Thuận lợi
Được sự quan tâm và ủng hộ nhiệt tình của Ban giám hiệu nhà trường cùng với ba mẹ về tinh thần và vật chất, để tôi hoàn thành tốt công tác chăm sóc giáo dục trẻ.
Hằng năm nhà trường có kế hoạch triển khai và tổ chức hội thi đồ dùng dạy học tự làm đến các lớp vào đầu năm học.
Đa số trẻ biết giữ gìn bảo quản đồ dùng, đồ chơi, biết lấy và cất đồ chơi đúng nơi quy định.
Bản thân là giáo viên đứng lớp tôi luôn tìm tòi và tận dụng những nguyên vật liệu phế thải để làm những đồ dùng đồ chơi cho trẻ được trải nghiệm, được chơi và phục vụ cho tiết học.
*Khó khăn
Vẫn còn một số trẻ trong quá trình chơi chưa biết bảo quản đồ chơi.
Một số trẻ khi tham gia vào các hoạt động chưa hòa nhập, chưa nhiệt tình.
2.3. Nội dung đã cải tiến sáng tạo để khắc phục những nhược điểm hiện tại
Sau khi sưu tầm, lựa chọn, gom nhặt những nguyên vật liệu phế thải thì định hình sản phẩm nếu chưa có hoặc chưa đủ thì tôi trao đổi, phối hợp phụ huynh đóng góp một số nguyên vật liệu bỏ đi và trước tiên là khâu vệ sinh như: lau chùi (giấy, báo, tờ lịch cũ, hộp cactông..), rửa sạch ( nếu hũ, chai…vật không thấm nước) rồi phơi khô. Nếu không làm sạch thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình, thường có rất nhiều sản phẩm bị bỏ đi sau khi sử dụng, ví dụ như vỏ chai dầu gội, sữa tắm, hộp xốp đựng thức ăn, vỏ hộp sữa, bìa lịch cũ, đĩa CD cũ, túi nilon, ống chỉ, chai nước suối… đó là nguồn vật liệu rất phong phú và đa dạng, có thể tái chế và tận dụng làm những đồ dùng đồ chơi bổ ích. Từ những nắp chai chúng ta có thể tạo thành trò chơi “lật nắp chai” đưa vào giờ học làm quen với toán, làm quen chữ viết hoặc là từ những hộp xốp đựng thức ăn ta có thể tạo thành những con rối thật dễ thương và ngộ nghĩnh để đưa vào các giờ dạy, các góc chơi của trẻ ở trường mầm non. Làm như vậy chúng ta sẽ tiết kiệm được tiền mua sắm vật liệu, tạo ra nhiều đồ chơi mang tính sáng tạo phong phú cho lớp học của mình. Những đồ chơi này vừa dễ làm, dễ sử dụng trong các giờ học và các hoạt động.
Những đồ dùng đồ chơi tự tạo mà tôi đã làm phần nào thỏa mãn được nhu cầu vui chơi của trẻ. Bên cạnh đó, thông qua việc hướng dẫn trẻ làm đồ chơi và được chơi với những đồ chơi tự tay mình làm ra đã giúp trẻ phát triển toàn diện hơn về các mặt: Thể chất, ngôn ngữ, nhận thức, thẩm mỹ và tình cảm xã hội.
Ngoài những biện pháp trên thì công tác tuyên truyền với phụ huynh về giá trị thực sự của việc làm đồ dùng, đồ chơi từ nguyên vật liệu phế thải rất cần thiết. Bởi vì ngoài việc cô giáo hướng dẫn trẻ chơi trên lớp thì về nhà phụ huynh cũng có thể hướng dẫn con mình làm các đồ dùng, đồ chơi khác nữa, tạo điều kiện cho con chơi cùng bạn trong xóm với những trò chơi mà trẻ thích.
2.4. Khả năng áp dụng của sáng kiến
Từ những cố gắng nghiên cứu tài liệu, kinh nghiệm của bản thân, sự đồng thuận hợp tác của các bậc cha mẹ, qua một thời gian thực hiện và theo dõi, bản thân nhận thấy lớp có những chuyển biến rõ rệt cụ thể:
Bản thân được trau dồi kiến thức kỹ năng và kiến thức dạy trẻ. Được phụ huynh tín nhiệm. Bản thân đã có sự sáng tạo trong hoạt động dạy trẻ làm đồ dùng đồ chơi.
Đề tài sáng kiến kinh nghiệm của bản thân được nhân rộng trong nhà trường và đồng nghiệp áp dụng.
2.5. Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tác giả và theo ý kiến của tổ chức, cá nhân đã tham gia áp dụng sáng kiến lần đầu, kể cả áp dụng thử (nếu có)
2.5.1 Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tác giả
Các bậc cha mẹ đã có thói quen liên kết phối hợp chặt chẽ với cô giáo trong việc tổ chức cho trẻ trong việc làm đồ dùng, đồ chơi từ nguyên vật liệu phế thải, trao đổi với giáo viên bằng nhiều hình thức thông qua sổ bé ngoan, giờ đón trả trẻ.
Cha mẹ luôn coi trọng trẻ và tích cực tham gia vào các hoạt động giáo dục trẻ ở nhà trường.
– Kết quả trên trẻ
Trẻ hứng thú, tích cực hơn và nhớ lâu hơn.
Trẻ có những sáng tạo rõ nét với các đồ dùng, đồ chơi, cách chơi, có thể tự tạo nhiều đồ chơi cho mình từ các nguyên vật liệu và đồ chơi ở lớp.
Trẻ thể hiện vai chơi và sử dụng đồ chơi rất sáng tạo.
– Kết quả từ phía các bậc phụ huynh
Phụ huynh nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc sử dụng có hiệu quả đồ dùng đồ chơi, thiết bị dạy học từ đó phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ được tốt hơn.
2.5.2 Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của các cá nhân đã tham gia áp dụng sáng kiến
Tôi đã rút ra được nhiều kinh nghiệm qua việc làm đồ dùng đồ chơi từ nhiều nguyên vật liệu để áp dụng cho nhiều hoạt động và dạy.
Bản thân được trau dồi kiến thức kỹ năng và kiến thức dạy trẻ. Được phụ huynh tín nhiệm. Bản thân đã có sự sáng tạo trong hoạt động dạy trẻ làm đồ dùng đồ chơi.
3. Những thông tin cần được bảo mật (nếu có): Không
4. Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến
Nhà trường thường xuyên tổ chức hội thi làm đồ dùng dạy học.
Qua hội thi làm đồ dùng dạy học, giáo viên được trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong việc làm đồ dùng đồ chơi.
Bản thân có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm tòi nguyên vật liệu để sáng tạo đồ dùng đồ chơi.
Trẻ hứng thú tham gia vào các hoạt động làm đồ dùng đồ chơi sáng tạo.
5. Danh sách những người đã tham gia áp dụng thử hoặc áp dụng sáng kiến lần đầu (nếu có)
TT Họ và tên Nơi công tác Nơi áp dụng sáng kiến Ghi chú
1 Tăng Thị Thanh Vân MN Đại Hồng Áp dụng biện pháp 1 vào tại lớp Bé 4
2 Đặng Thị Liên MN Đại Hồng Áp dụng dụng biện pháp 2 vào tại lớp lớn Nhỡ 5
3 Nguyễn Thị Thu Hiền MN Đại Hồng Áp dụng biện pháp 3 vào tại lớp Lớn 5