LQVT: Nhận biết phía trước, phía sau của bản thân. Độ tuổi: 3- 4 tuổi. Cô Nguyễn Thị Vân
GIÁO ÁN
HOẠT ĐỘNG: PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC
CHỦ ĐỀ: BẢN THÂN
Đề tài: Trẻ nhận biết phía trước, phía sau của bản thân
Lứa tuổi: 3- 4 tuổi
Giáo viên: Nguyễn Thị Vân
I. Mục đích yêu cầu
1. Kiến thức
Trẻ biết xác định phía trước, phía sau của bản thân.
2. Kỹ năng
Rèn kỹ năng nhận biết, quan sát và tính linh hoạt của trẻ
Phát triển kĩ năng định hướng trong không gian của bản thân và đối tượng khác, phát triển óc quan sát tưởng tượng
3. Giáo dục
Biết giữ gìn sức khỏe, siêng tập thể dục, ăn uống đủ chất để có cơ thể khỏe mạnh và phát triển cân đối.
II. Chuẩn bị
Nhạc bài hát chủ đề bản thân, búp bê
III. Tiến hành hoạt động
1. Hoạt động mở đầu
* Hoạt động 1: Trò chuyện – gây hứng thú
Cho trẻ xúm xít lại gần cô.
Cô đố chúng mình cô đang cầm cái gì trên tay?
À đây là tấm thiệp của bạn búp bê gửi cho lớp mình đấy.
Chúng mình có muốn biết trong thiệp bạn búp bê viết gì không?
Chúng mình cùng lắng nghe cô đọc nhé.
“Xin chào tất cả cá bạn nhỏ. Hôm nay là sinh nhật mình đấy! Mình mời tất cả các bạn cùng đến dự tiệc sinh nhật của mình nhé”
Chúng mình có muốn đi dự sinh nhật bạn búp bê không nào?
Vậy bây giờ cô và chúng mình cùng đi mua quà tặng bạn búp bê nhé.
Đã có quà để tặng bạn búp bê rồi chúng mình cùng đến nhà bạn búp bê thôi
2. Hoạt động nhận thức
* Ôn nhận biết phía trên – phía dưới
Đã đến nhà bạn búp bê rồi chúng mình hãy quan sát xem hôm nay bạn búp bê đã chuẩn bị những gì cho bữa tiệc nào!
Đây là gì các con?
Để nhìn được chùm bóng bay thì chúng mình phải làm như thế nào?
Vì sao chúng mình phải ngẩng đầu lên?
Đúng rồi! Vì chùm bóng bay ở phía trên nên chúng mình phải ngẩng đầu lên mới nhìn thấy được.
Ngoài ra nhà bạn búp bê còn có những gì ở phía trên nữa?
Những gì mà chúng mình phải ngẩng đầu lên mới nhìn thấy thì được gọi là phía trên của chúng mình.
Cho trẻ nhắc lại “phía trên”
Ngoài ra chúng mình hãy nhìn xuống dưới nền nhà bạn búp bê xem có gì?
Xốp trải nền giúp bạn búp bê giữ ấm và sạch đôi chân đấy.
Xốp trải nền ở phía nào của chúng mình?
Tại sao lại gọi là phía dưới?
Tất cả những gì chúng mình phải cúi xuống mới nhìn thấy thì gọi là phía dưới.
Cho trẻ nhắc “phía dưới”
* Xác định phía trước, phía sau của bản thân.
Cô thấy bạn búp bê đã chuẩn bị cho bữa tiệc sinh nhật rất chu đáo còn chúng mình cũng đã mua được rất nhiều quà sinh nhật cho búp bê rồi. Vậy chúng mình đã mua được những quà gì?
Các bạn đã mua được rất nhiều những chiếc gương để tặng bạn búp bê rồi. Vậy bây giờ chúng mình cùng ngồi xuống thảm trải nền bạn búp bê đã chuẩn bị để hướng dẫn bạn búp bê sử dụng chiếc gương xinh xắn này nào! (Cho trẻ về chỗ ngồi)
Quà đâu? Quà đâu?
Để soi được gương thì chúng mình để gương ở đâu?
Chúng mình nhìn thấy gì trong gương nào?
Vậy gương đang ở phía nào của con?
Cho trẻ nhắc lại 2-3 lần từ phía trước. (Cô gọi cả lớp, cá nhân trẻ)
Phía trước của các con còn có gì nữa?
Bây giờ chúng mình lại chơi giấu quà nhé.
Giấu quà, giấu quà.
Các con có nhìn thấy quà đâu không?
Chúng mình cùng đưa tay ra sau lưng xem có thấy quà không nào?
Vậy quà đang ở phía nào của các con?
Con có nhìn thấy được không?
À đúng rồi sau lưng còn được gọi là phía sau.
Cô khái quát: Tất cả những gì ở sau lưng chúng ta và không nhìn thấy thì được gọi là phía sau.
Cả lớp nhắc lại “Phía sau”
Bây giờ cô mời các bạn lên đây chơi trò chơi nào!
Cô mời 3 bạn lên cô sẽ sắp xếp bạn đứng trước, đứng sau. Sau đó cô cô hỏi trẻ, phía trước bạn An là ai? Phía sau bạn An là ai? Tương tự cô hỏi đến bạn thứ ba
Hôm nay các bạn đến từ khu vườn nuôi dưỡng có đem đến cho lớp chúng ta rất nhiều thực phẩm này. Vậy bây giờ lớp mình hãy đến nhận các loại thực phẩm mình thích đem về nhà nào!
Trẻ lên nhận thực phẩm và luyện tập cùng cô
3. Hoạt động 3: Trò chơi
* Trò chơi 1: “Thi xem ai nhanh”
Cách chơi: Trên tay của các con có những loại thực phẩm mà các con yêu thích. Bây giờ cô nói phía nào, các con đưa nhanh các loại thực phẩm theo đúng yêu cầu của cô, thi ai nhanh hơn nhé
Luật chơi: Bạn nào không đúng yêu cầu của cô sẽ nhảy lò cò
* Trò chơi 2: Trò chơi: “Hãy đến nhanh với cô”
Cô cho trẻ vừa đi vừa hát, khi cô nói phía sau hoăc phía trước thì trẻ ngừng hát và chạy nhanh đến đứng phía sau hoặc phía trước của cô cho trẻ chơi 2-3 lần. Bạn nào đứng sai sẽ nhảy lò cò
3. Hoạt động kết thúc
Giáo dục trẻ biết giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để cơ thể lớn lên và khỏe mạnh.
Cô cho trẻ hát bài: “Mời bạn ăn”