KPKH: Điều kỳ diệu của gió. Độ tuổi: 5-6 tuổi. Cô Nguyễn Thị Thu Hằng
KẾ HOẠCH
Chủ đề nhánh: MỘT SỐ HIỆN TƯỢNG THỜI TIẾT
Hoạt động học: KPKH
Đề tài: Điều kỳ diệu của gió.
Cô Nguyễn Thị Thu Hằng
1. Mục đích yêu cầu
a) Kiến thức
Trẻ nhận biết và phân biệt được hai loại gió: Gió tự nhiên và gió nhân tạo.
Trẻ biết được gió có ở khắp mọi nơi, gió không màu, không mùi, không hình dạng, nhưng gió đưa hương thơm đi khắp mọi nơi.
Trẻ biết được con người có thể tạo ra gió.
Trẻ biết được lợi ích và tác hại của gió đối với đời sống con người.
b) Kỹ năng
Rèn luyện khả năng nhận biết, phân biệt các loại gió.
Rèn khả năng quan sát, ghi nhớ có chủ định.
Phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ.
c) Giáo dục
Trẻ chú ý lắng nghe và hứng thú tham gia vào hoạt động.
Biết tiết kiệm điện khi dùng quạt, biết bảo vệ an toàn cơ thể khi thời tiết thay đổi, gió to.
2. Chuẩn bị
Cô:
Quạt điện ở xung quanh lớp, cây thổi bong bóng xà phòng 1 tờ giấy, 1 khối gỗ nhỏ, 1 chong chóng, 1 quả bóng nhựa, 3 cây nến.
Giáo án điện tử.
Trẻ:
Bóng, vòng, vạch kẻ dưới sàn, trống lắc.
3. Tiến trình hoạt động
a) Hoạt động mở đầu
Hát và vận động bài “Bong bóng xà phòng”. Cô tạo tình huống bắn ra bong bóng xà phòng bay khắp lớp. Trẻ thấy (Ồ bong bóng xà phòng kìa) Trẻ chơi với bong bóng xà phòng theo ý thích.
Các con chơi có vui không?
b) Hoạt động nhận thức
Trải nghiệm gió nhân tạo
Các con vừa chơi gì với bong bóng xà phòng? (bắt lấy, thổi) Khi bắt lấy bong bóng xà phòng thì các con thấy như thế nào? Khi thổi bong bóng xà phòng thì nó như thế nào?
Con thổi ra gì giúp bong bóng xà phòng bay được? (hơi). Khi các con thổi ra hơi mạnh tạo thành gió đẩy bong bóng xà phòng bay lên cao đấy các con.
Bây giờ các con cùng quan sát xem trên bàn cô có gì? (có 3 cây nến đang cháy) Muốn nến tắt các con phải làm gì? (Cho trẻ lên thổi 1 cây, quạt 1 cây theo ý thích.) Nhờ đâu mà các cây nến này tắt? Vì sao cây nến này vẫn cháy. (Vì không có gió)
Vừa rồi các con đã dùng tay quạt tắt cây nến đang cháy, thế bây giờ cô cháu ta thử cùng nhau dùng tay quạt vào mặt xem điều gì sẽ xảy ra nào!
“Tay đâu, tay đâu
1 2 3 quạt nào
Vù vù vù”
Điều gì đã xảy ra các con? (Mát) Vì sao mát? (gió) Gió có từ đâu? (quạt từ bàn tay)
Theo các con ngoài dùng tay quạt mát thì còn dùng cái gì để quạt mát nữa? (quạt giấy, quạt nan, quạt mo, quạt điện..) Bây giờ cô sẽ bật quạt điện các con cảm thấy như thế nào nhé! (lạnh) Hôm nay thời tiết lạnh nên bật quạt chúng ta cảm thấy lạnh, mùa đông trời mưa lạnh các con không nên dùng quạt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Mùa hè bật quạt sẽ cảm thấy mát đấy các con.
Các con dùng quạt điện thì phải biết tiết kiệm điện, khi nào không dùng thì các con tắt quạt.
Để xem quạt điện còn có tác dụng gì nữa! Các con quan sát xem trên bàn của cô có những đồ dùng gì đây? (Quả bóng, chong chóng, tờ giấy, khối gỗ)
Điều gì đã xảy ra khi cô bật quạt hướng về phía bàn?
Nhờ đâu mà quả bóng lăng, chong chóng quay, tờ giấy bay?( Gió) gió có từ đâu?
Vì sao khối gỗ không di chuyển?( Vì khối gỗ nặng)
Tóm ý: Khi cô bật quạt, quạt quay tạo ra gió nhẹ làm cho 1 số vật nhẹ bay và chuyển động, còn vật nặng thì không di chuyển được.
Vậy bong bóng xà phòng bay, nến tắt, quả bóng lăng, chong chóng quay, tờ giấy bay, làm mát đều là gió. Các con thổi hơi ra gió, quạt tay, bật quạt điện cũng tạo ra gió, gió đó là gió nhân tạo.
Lớp đồng thanh cùng cô “Gió nhân tạo”
Gió nhân tạo là do con người tạo ra và mình điều khiển được nhằm mang lại nhiều lợi ích.
Trò chơi: “ Gió thổi” chuyển đội hình.
Gió thổi, gió thổi – cây đung đưa
Gió thổi, gió thổi – Cây rung rinh
Gió thổi, gió thổi – Mát quá, mát quá.
Trải nghiệm gió tự nhiên
Cho trẻ xem đoạn phim. Qua đoạn phim vừa xem các con có nhận xét gì?
Tóm ý: Khi gió nhẹ tự có ngoài trời mang niềm vui đến cho mọi người giúp các con chơi chong chóng, thả diều, làm cối xoay gió quay, khinh khí cầu bay, đẩy thuyền buồm, làm không khí mát mẻ mát, làm nhà cửa thông thoáng, làm khô quần áo khi trời không có nắng, gió làm cho mọi vật chuyển động phục vụ con người, ngoài ra gió còn giúp hoa kết trái nữa đó con.
Chúng ta cùng gọi gió đến chơi nào!
“ Gió ơi là gió
Gió ở nơi nào
Gió mau đến đây
Cùng nhau ca hát
Gió à! Gió ơi!
Điều gì xảy ra khi gió mạnh, rất mạnh?
Cho trẻ xem slide và đàm thoại về tác hại của gió mạnh. Đây là những hình ảnh cơn bão đã các con. Các con ơi! Miền trung chúng ta đã từng chịu ảnh hưởng từ cơn bão số 9. Gió bão rất mạnh làm đổ cây cối, nhà cửa, hoa màu, gây thiệt hại lớn về vật chất và tính mạng con người.
Để bảo vệ an toàn tính mạng bản thân khi gió mạnh, bão con phải làm gì?
Tóm ý: Khi có gió mạnh, bão thì không ra đường, trú vào những nhà kiên cố để bảo vệ an toàn cơ thể. Các con thấy đấy để giảm thiệt hại sau khi bão đi qua thì trước khi bão đến mọi người đã chèn nhà, chặt những cành cây tán lá.
Gió ở ngoài trời, gió nhẹ hay mạnh đều là gió tự nhiên.
Lớp đồng thanh cùng cô “Gió tự nhiên”
Gió tự nhiên là tự có do sự chuyển động của không khí, mình không điều khiển được.
Gió nhân tạo và gió tự nhiên giống và khác nhau ở điểm nào?
Giống nhau: Đều gọi là gió
Khác nhau: Gió nhân tạo là do con người tạo ra và điều khiển được.
Gió tự nhiên là tự có do sự chuyển động của không khí, mình không điều khiển được.
Hát và vận động “ Em là gió mát”
Đặc điểm của gió
Con nhìn xem gió có màu gì không? (Gió không có màu)
Chúng ta cùng đưa tay lên bắt gió nào? Có bắt được không con?
Vì gió không có hình dạng nên các con không thể bắt được gió đấy.
Bây giờ con hãy hít thật sâu vào và ngửi xem gió có mùi gì không nhé! (không có mùi)
Hít lại 1 lần nữa xem nào! (Ồ thơm quá)
Con có ngửi thấy mùi gì không? (mùi thơm)
Đó là mùi thơm của nước hoa đấy con, nhờ có gió từ quạt làm cho hương thơm của nước hoa lan tỏa cả lớp.
Ai có nhận xét gì về đặc điểm của gió? (1 – 2 trẻ)
Cô tóm ý: Gió không có màu, không mùi, không có hình dạng nhưng gió có ở khắp mọi nơi và gió đưa hương thơm đi khắp nơi.
Trò chơi 1: “Thi xem ai nhanh”
Cách chơi: Hai đội chơi. 1 đội nam và 1 đội nữ. Đại diện 3 đội lên chọn chiếc quạt màu mình thích, sau mỗi chiếc quạt có câu hỏi. Cô sẽ là người đọc câu hỏi, 3 đội hội ý đội nào có tín hiệu trước thì đội đó được quyền trả lời, nếu trả lời đúng thì đội đó được tặng một món quà. Kết thúc trò chơi đội nào có số lượng quà nhiều hơn thì đội đó là đội chiến thắng, sẽ được cô khen.
Câu hỏi dự kiến
1. Gió nhân tạo là gì?
2. Gió tự nhiên là gì?
3. Hãy kể một vài ích lợi của gió?
4. Hãy kể một vài hành động bảo vệ cơ thể khi có bão?
Kết thúc trò chơi: Cô nhận xét kết quả động viên khen trẻ.
Trò chơi 2: Thổi ly
Chuẩn bị: Với trò chơi này cô đã chuẩn bị cho các con rất nhiều ly nhựa, mỗi đội 1 cái bàn, mỗi bàn 5 cái ly.
Cách chơi: Cả lớp chia làm 3 đội, lần lượt mỗi bạn của mỗi đội chạy lên dùng miệng thổi 1 hơi thật mạnh cho cái ly ngã. Thổi xong các con chạy nhanh về đứng ở cuối hàng.
Luật chơi: Kết thúc trò chơi đội nào thổi được nhiều ly ngã hơn thì đội đó thắng. Cô cho trẻ chơi và nhận xét.
c) Kết thúc hoạt động
Giáo dục: Gió nhân tạo hay gió tự nhiên đều mang nhiều ích lợi cho chúng ta. Khi có gió mạnh, bão thì không ra đường tránh vào những nhà kiên cố để bảo vệ an toàn cơ thể. Vào mùa đông khi có gió lạnh con phải mặc áo ấm để bảo vệ sức khỏe. Để giảm tác hại của gió mạnh cô và các con hãy trồng thật nhiều cây xanh. Bảo vệ môi trường,…
Bây giờ các con cùng cô làm những cơn gió mát có ích cho đời nào!
Hát “Tôi là gió” và đi ra ngoài.